Hàng trăm héc ta sầu riêng bị nhiễm bệnh, nhiều vườn cây bị chết khô khiến nhà vườn thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Cây sầu riêng chết khô hàng loạt do nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Ảnh: Ngọc Quyền
Từ trước Tết Đinh Dậu đến nay, ông Trần Đình Sơn, ở thôn Tân Tiến, xã Ea Yông, H.Krông Pắk (Đắk Lắk), liên tục ăn ngủ tại vườn sầu riêng, đau đáu tìm cách cứu những cây sầu riêng nhiễm bệnh đang ngắc ngoải. “Vườn nhà tôi có 141 cây sầu riêng, năm ngoái thu đến 30 tấn quả, doanh thu 1,2 tỉ đồng. Thế nhưng đầu tháng 12.2016, cả vườn cây bỗng đổ bệnh, trong vòng hơn một tháng đã chết 40 cây, phần lớn số cây còn lại đang chống chọi với bệnh. Tôi đã tốn gần 40 triệu đồng mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật của 5 đại lý trong vùng để chữa trị nhưng vẫn chưa ăn thua”, ông Sơn giãi bày.
"Phần lớn sầu riêng bị bệnh đều trên dưới 10 năm tuổi, trong giai đoạn kinh doanh, năng suất vài chục tấn quả/ha. Với giá sầu riêng như năm ngoái khoảng 40 triệu đồng/tấn thì tính sơ bộ, thiệt hại của các nhà vườn trong xã vụ năm nay lên tới hàng trăm tỉ đồng" Ông Hà Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Yông, H.Krông Pắk (Đắk Lắk)
Gần vườn nhà ông Sơn là những lô rẫy sầu riêng san sát nhau của người dân thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông. Quan sát từ xa đã thấy nhiều vườn cây trụi lá, cành khô chĩa lên trời tua tủa. Ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng thôn Phước Thịnh, cho biết nhà ông trồng 121 cây sầu riêng, năm ngoái thu gần 20 tấn trái, bán được 680 triệu đồng, nhưng năm nay nhiều cây đã chết, số còn lại bị bệnh, dự kiến năng suất giảm 2/3. “Đầu tiên, tôi phát hiện dưới những gốc cây bị bệnh, vạt rễ cám gần mặt đất bị chết khô, sau đó lá héo dần, cành khô từ ngọn xuống, thân cây bị nứt, xì mủ, cây bắt đầu chết dần”, ông Dung mô tả.
Ông Hà Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Yông, cho biết xã có 6 thôn trồng sầu riêng với diện tích hơn 300 ha, hầu hết đều nhiễm bệnh. Trong đó thôn Phước Thịnh thống kê có số cây nhiễm bệnh nhiều nhất, với 4.144 cây nhiễm trong tổng số 5.745 cây. Có những hộ ở thôn này vườn cây bị bệnh gần như toàn bộ như hộ Bùi Ngọc Hài 242/242 cây, Hoàng Đình Điệp 200/242 cây, Trần Đình Hải 121/121 cây, Triệu Thị Xuân 100/121 cây… Ông Tâm nói: “Phần lớn sầu riêng bị bệnh đều trên dưới 10 năm tuổi, trong giai đoạn kinh doanh, năng suất vài chục tấn quả/ha. Với giá sầu riêng như năm ngoái khoảng 40 triệu đồng/tấn thì tính sơ bộ, thiệt hại của các nhà vườn trong xã vụ năm nay lên tới hàng trăm tỉ đồng”.
Do khai thác quá mức ?
Sầu riêng bị nhiễm bệnh ở H.Krông Pắk còn nằm ở nhiều vườn cây người dân trồng trên đất liên kết với hai công ty TNHH MTV: Cà phê - ca cao Tháng 10 và Cà phê Phước An có diện tích tổng cộng 472 ha. Giữa tháng 1.2017, nhận thông tin phản ánh của hai doanh nghiệp này, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN-PTNT Đắk Lắk) cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI) đã tổ chức đoàn khảo sát vườn cây trong vùng. Kết quả cho thấy hầu hết các vườn đều bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hại khoảng 70 - 80% số cây. Các loại bệnh chủ yếu là chết ngược (từ đầu ngọn trở xuống), thối nứt thân, cành to, nấm hồng, đốm lá, trong đó gây hại nghiêm trọng nhất là bệnh chết ngược và bệnh thối nứt thân.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, cho rằng hiện chưa khẳng định chính xác nguyên nhân nhưng có khả năng thời tiết mưa nhiều cuối năm ngoái khiến độ ẩm cao đã làm nảy sinh nhiều loại nấm gây bệnh trên. Mặt khác, việc đầu tư thâm canh sầu riêng, khai thác quá mức cũng có thể khiến cây kiệt sức, dễ nhiễm bệnh. “Qua khảo sát cho thấy sầu riêng trồng thành vùng chuyên canh khá dày, người dân lại có xu hướng thâm canh, sử dụng phân bón, kích thích cây cho trái nhiều khiến năng suất vườn cây ở đây khá cao. Mỗi cây sầu riêng bình quân gần 2 tạ trái, có nhiều cây trên 3 tạ; trong khi bình thường cây cho khoảng 1 tạ trái”, bà Bình phân tích.
Theo bà Bình, hiện WASI đang phân tích mẫu cây nhiễm bệnh nhằm phân lập chính xác các loại nấm để có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước mắt, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật có hướng dẫn tạm thời phòng tránh bệnh cho sầu riêng. Theo đó, khuyến cáo nông dân sử dụng biện pháp tổng hợp, dùng một số hoạt chất trừ nấm phun lên cây theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất; không sử dụng phân bón hóa học, phân bón lá có hàm lượng phân đạm cao đối với vườn sầu riêng đang nhiễm bệnh; cắt, thu gom các cành, lá của cây đã nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế lây lan nguồn bệnh...
Ngọc Quyền (Báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào: