Để được Chính phủ Mỹ xóa lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, ngành tôm trong nước phải chứng minh và được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) công nhận không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của quốc gia này.
Dự kiến tháng 5-2017 mới công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hoàng hôn lần hai (5 năm một lần). Trong ảnh là nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết như trên khi trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến một số thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong kết luận của đợt xem xét hoàng hôn (5 năm xem xét một lần) lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh đã quyết định sẽ tiếp tục áp thuế đối với sản phẩm này từ Việt Nam.
Theo ông Hòe, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hoàng hôn lần hai dự kiến được công bố vào tháng 5-2017 tới.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, trong lúc đang trong đợt xem xét hoàng hôn lần hai, tức chưa được ITC công nhận không gây thiệt hại, thì thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục được áp dụng như trong các kỳ xem xét hành chính trước đó. “Thủ tục này xem xét 5 năm một lần là để xem nếu đủ điều kiện, tức chứng minh xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của Mỹ, thì trên cơ sơ đó Chính phủ Mỹ không áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, coi như kết thúc”, ông Hòe cho biết.
Cũng theo ông Hòe, trong trường hợp khi kết quả được công bố, nhưng không chứng minh được việc xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của quốc gia này (tức có gây thiệt hại), thì ITC sẽ không công nhận, tức thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục như đã diễn ra trong 10 năm qua.
Việc xem xét hành chính hàng năm là để xác định mức thuế chính thức của từng năm cụ thể đối với từng doanh nghiệp.
Thông tin được VASEP công bố vào hôm qua, 3-2, cho biết vào tháng 9-2016, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ 1-2-2014 đến 31-1-2015.
Theo đó, Công ty Minh Phu Seafood Corp thoát khỏi kỳ POR10 (và một số lần xem xét khác), dù kết quả của lần sơ bộ được công bố trước đó vào tháng 3-2016, đơn vị này bị áp mức thuế là 2,86%; mức thuế tự nguyện cho 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác của Việt Nam là 4,78%, tăng 0,91% so với kết quả sơ bộ trước đó và mức thuế cho Stapimex là 4,78% giống như kết quả sơ bộ được DOC công bố vào tháng 3-2016.
Còn mức thuế sơ bộ được DOC công bố trong kỳ POR11 được công bố vào đầu tháng 11-2016 vừa qua đối với các lô hàng từ ngày 1-2-2015 đến 31-1-2016 với mức thuế cho các bị đơn vẫn được duy trì ở mức tương đương như trong kỳ POR10.
Trong khi đó, mức thuế toàn quốc 25,75% được áp dụng cho các nhà nhập khẩu không tham gia vào đợt xem xét.
Trung Chánh (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: