Vài năm vừa qua là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ông Rodrigo Rigo, nông dân trồng cà phê ở bang Espírito Santo của Brazil, vốn là vùng cà phê robusta chủ lực của nước này. Ba năm hạn hán nghiêm trọng tại đây đã khiến sản lượng cà phê của ông giảm xuống chỉ bằng 60% mức bình thường. Cũng như nhiều nông dân khác, Rigo phải chấp nhận miễn trừ nợ từ ngân hàng quốc doanh Banco do Brazil.
Rigo và các nông dân khác giờ đang chuẩn bị đối mặt với một nguy cơ khác, đó là cà phê nhập khẩu, có nhiều khả năng đến từ Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ lúc bắt đầu thống trị ngành sản xuất cà phê toàn cầu hồi thế kỷ 19, Brazil sẽ mở cửa nhập khẩu cà phê từ những nước như Việt Nam nhằm đối mặt với tình trạng thiếu cung trầm trọng.
Vật lộn với hạn hán
Khoảng 90% sản lượng robusta của Brazil (hay còn được gọi là conilon) được dành cho ngành công nghiệp cà phê hòa tan. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung robusta đã khiến giá cà phê ở Brazil cũng như trên thị trường thế giới lên mức cao kỷ lục.
Giá robusta tăng lên ngang ngửa với arabica tại Brazil. Nguồn: Thomson Reuters/FT
Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã đe dọa vị trí dẫn đầu của Brazil trong ngành công nghiệp cà phê hòa tan thế giới. Sau khi trì hoãn quyết định cho phép tạm nhập 60.000 tấn cà phê nhân trong hàng tháng trời, chính phủ Brazil xem ra đã sẵn sàng để phê duyệt vấn đề này.
Quyết định nhập khẩu này sẽ được chuyển đến cho Camex, cơ quan có thẩm quyền cao nhất về thương mại quốc tế của Brazil, trong cuộc họp sắp tới vào hôm 22/2.
Mặc dù Brazil đã từng nhập khẩu hạt cà phê rang và cà phê xay thô trong quá khứ, nhưng trong suốt 290 năm lịch sử ngành cà phê Brazil thì nước này chưa chưa bao giờ nhập cà phê nhân từ nước ngoài , theo Nathan Herszkowicz, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Cà phê Brazil.
Brazil tuy không cấm nhập cà phê, nhưng có đánh thuế nhập khẩu 10%. Giờ đây, chính phủ đang cân nhắc giảm mức thuế này xuống còn 2% nhằm mở đường cho hoạt động nhập khẩu.
Aguinaldo José de Lima, giám đốc quan hệ thể chế tại Hiệp hội cà phê hòa tan Brazil Abics, cho biết các thành viên của hiệp hội này đang vất vả đối phó với nguồn cung thiếu hụt.
"Mùa vụ thất bát ở Espírito Santo năm 2015, 2016 rồi đến 2017 là nguyên nhân khiến nguồn cung bị thiếu hụt trầm trọng, đến mức giá cà phê robusta đã lên ngang với arabica - loại cà phê có chất lượng hơn. Điều này chưa từng bao giờ xảy ra tại Brazil", ông Aguinaldo cho biết.
Giá cà phê robusta tại Brazil chạm mức kỷ lục 570 real/kg (183 USD) hồi tháng 11 năm ngoái, tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2016, mặc dù sau đó đã giảm trở lại xuống 440 real (142 USD) do những đồn đoán về chính sách mở cửa nhập khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng Một và tháng Hai cũng đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đã kêu gọi chính quyền mở cửa để nhập khẩu, nếu không, Brazil có nguy cơ đánh mất thị phần cà phê hòa tan toàn cầu.
Hạn hán liên tiếp ảnh hưởng đến sản lượng robusta của Brazil. Nguồn: Conab/FT
Cà phê hòa tan chiếm hơn 1/3 thị trường đồ uống cà phê của thế giới và vẫn đang tăng trưởng khoảng 4% hàng năm. Mặc dù độ phổ biến của loại cà phê này đang giảm ở những nước phương Tây, song cà phê hòa tan lại đang được đón nhận ở những thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Đông Âu.
Ảnh hưởng đến giá cà phê thế giới
Việc thiếu hụt robusta ở Brazil đã có nhiều tác động đến thị trường thế giới, khiến giá cả tăng mạnh. Mặc dù hầu hết các loại cà phê chất lượng thấp của Brazil chỉ dành cho thị trường trong nước, nhưng nước này thường dành ra 1-2 triệu bao để xuất khẩu, có thể tăng thêm tùy theo sản lượng từng năm.
Nguồn cung robusta giảm mạnh tại Brazil cũng trùng hợp với giai đoạn hạn hán tại Đông Nam Á, nơi có hai nước sản xuất robusta chính là Việt Nam và Indonesia. Điều này đã khiến giá robusta giao dịch trên sàn London chạm đỉnh 5 năm ở mức 2.173 USD/tấn đầu tháng này, khi những lo ngại về nguồn cung Brazil vẫn còn thì lại xuất hiện thêm mối lo mới về nguồn cung của Việt Nam.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) đã đưa ra lưu ý đến nguy cơ phản ứng dây chuyền trên thị trường arabica. "Các nhà rang xay cà phê ngày càng tìm nguyên liệu để thay thế dần robusta hoặc arabica cấp thấp trong cà phê trộn. Đây là lý do giá cà phê arabica tăng", ICO cho biết.
Tại Brazil, các nhà rang xay cà phê đã dùng arabica để thay thế hạt robusta, vốn thường chiếm một nửa thành phần trong các loại cà phê xay trộn.
Cooxupe, hợp tác xã trồng cà phê lớn nhất Brazil chuyên về arabica, cho biết doanh số bán ra của họ trên thị trường Brazil đã tăng mạnh. "Thị trường trong nước đang rất mạnh. Chúng tôi phải tăng thị phần trong nước và giảm xuất khẩu", theo Alexandre Monteiro từ Cooxupe.
Giá cà phê robusta thế giới tăng vọt. Nguồn: Thomson Reuters/FT
Bài học từ ngành trồng cacao
Không quá ngạc nhiên khi các nông dân trồng robusta ở Brazil và những chính trị gia đại diện cho họ đang phản đối kịch liệt kế hoạch nhập khẩu cà phê của chính phủ.
Giới thương nhân đang lợi dụng nguồn cung thiếu hụt như một cái cớ để mở cửa thị trường cho hoạt động nhập khẩu, nghị sĩ Evair Vieira de Mello của bang Espírito Santo lập luận.
"Họ lợi dụng thời điểm nhạy cảm này để tấn công sản phẩm chính của bang chúng tôi", ông nói. Theo ông Evair, việc nhập khẩu cà phê sẽ khiến các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong bang mất việc làm, dẫn đến làm tổn thương nền kinh tế.
Vị nghị sĩ bang Espírito Santo đã lập luận rằng số lượng hàng tồn kho robusta hiện dưới 2 triệu bao mà chính phủ ước tính là sai, và con số thật phải là 4,4 triệu bao, đủ để các nhà rang xay tiếp tục hoạt động. Cáo buộc này đã bị Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil phản đối.
Phe phản đối nhập khẩu cũng đề cập tới kinh nghiệm đau thương trước đây trong ngành cacao của Brazil. Brazil từng là nhà sản xuất cacao hàng đầu, song đã quyết định mở cửa thị trường nhập khẩu vào những năm 1990 khi bị thiếu hụt cacao sau nhiều năm sản lượng ở mức thấp.
Các nông dân Brazil khi đó đã không thể cạnh tranh được với cacao nhập khẩu có giá rẻ hơn. Cộng thêm tác động từ dịch bệnh, ngành trồng cacao của Brazil đã nhanh chóng sụp đổ. Từ chỗ là nước sản xuất cacao lớn thứ ba thế giới hồi những năm 1990, giờ Brazil chỉ đứng thứ bảy với nguồn cung chỉ chiếm 3%.
"Một bang phụ thuộc vào ngành sản xuất robusta như Espírito Santo có nỗi sợ rất lớn là cà phê của họ sẽ bị thay thế bởi các loại cà phê đến từ Việt Nam hoặc Bờ Biển Ngà", là nhận định của Carlos Brando, Giám đốc công ty tư vấn chuyên về cà phê P&A International.
Sản xuất và nhập khẩu cacao của Brazil. Nguồn: FAO/FT
Ai sẽ dám chấp nhận rủi ro?
Ngay cả nếu chính phủ Brazil chấp thuận nhập khẩu robusta, thì cũng chưa chắc các doanh nghiệp sẽ chịu nhập khẩu cà phê về nước này. Vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở Brazil, và có thể khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đối mặt với nhiều cuộc đình công hoặc tẩy chay trên diện rộng.
"Có nguy cơ cà phê nhập về cảng sẽ bị mắc kẹt rất lâu", một nhà môi giới cà phê tại London cho hay. Còn ông Rigo thì nghi ngờ chuyện sẽ có một làn sóng nhập khẩu cà phê vào Brazil và cho biết ông và cha mình vẫn hay nghe những tin đồn tương tự trước đây, vào những lúc giá cà phê tăng quá cao.
Nhưng ông Aguinaldo của hiệp hội cà phê hòa tan Abics cho rằng Brazil không nên quá lo lắng về việc nhập khẩu cà phê: "Chúng tôi đang ở trong một nền công nghiệp toàn cầu hóa; chúng tôi đang cạnh tranh với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi không thể phải ôm mãi một phần thị trường thế giới cho mình và nói: 'Tôi chỉ có thể mua ở đây, tôi buộc phải mua ở đây'. Đây không phải hướng phát triển bền vững", ông nói.
An Phong (Nguồn FT/ NCĐT)
Không có nhận xét nào: