Bây giờ mà ai bắt được 1 con cà cuống thì cũng có thể coi là người may mắn. Cà cuống hiện nay rất hiếm. Ở nhiều nơi, nó đã bị tuyệt chủng.
Đặc biệt ở những vùng lúa cao sản, những vùng trồng tới 2-3 vụ lúa/năm thì hầu như không còn bóng con cà cuống nào. Cà cuống là loại rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu. Cứ gặp thuốc trừ sâu là nó chết. Ấy vậy mà, vùng lúa nào bà con mình cũng phun thuốc trừ sâu. Càng trồng nhiều vụ càng phun dữ! Vậy, cà cuống làm sao mà sống nổi… Có lẽ, cũng vì thế mà thương lái của ta phải sang cả Lào và Campuchia để buôn cà cuống về Việt Nam. Dân mình ăn bún thang, ăn chả, ăn nem… mà có thêm một giọt tinh dầu cà cuống vào bát nước mắm thì mới gọi là “hết ý!”. Mùi thơm của nó rất đặc biệt, thơm nức cả phòng. Có lẽ cũng vì vậy mà ngày xưa, các vua chúa thường bắt các địa phương phải mang cà cuống cống nạp. Mới biết, con côn trùng nhỏ bé đó nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Cà cuống nuôi ở Trại dế Thanh Tùng
Trong “cái khó” lại ló “cái khôn”. Giữa lúc chả đâu còn con cà cuống thì ở Trại dế Thanh Tùng người ta lại nuôi được hàng ngàn con cà cuống. Nói ra, nhiều người không tin. Nhưng khi tới trực tiếp tham quan, ai cũng mê tít! Họ thán phục đâu chỉ ở số lượng cà cuống quá nhiều trong một diện tích hẹp mà còn ở chỗ, nuôi chúng quá dễ! Đã có rất nhiều người nghiên cứu về con cà cuống nhưng chưa ai thành công trong việc gây nuôi và phổ biến cho bà con. Ấy vậy mà anh nông dân Lê Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM lại nuôi được cà cuống.
Để nuôi bất cứ con gì, ta phải giải quyết được cho nó 3 khâu là: Ở như thế nào? Ăn gì? Sinh sản ra sao? Anh Thanh Tùng đã hoàn tất được cả 3 khâu đó đối với con cà cuống.
Cơ sở để nuôi cà cuống là các bể nhỏ từ 2 - 3m² đến 7 - 8m² hoặc lớn hơn đôi chút. Bể đó phải có nắp đậy bằng lưới nhỏ (1 - 2mm) để cà cuống không đào tẩu. Trong bể, ta để 1 lớp nước khoảng 30 - 40cm và thả kín bèo lục bình. Nguồn nước để nuôi cà cuống phải luôn luôn sạch và thường xuyên được thay tháo để không bị ô nhiễm.
Thức ăn của cà cuống là các động vật nhỏ như tôm, cá ở dưới nước và một số loài ở trên cạn như cào cào, châu chấu, dế… Điều khác biệt mà nhiều người chưa hiểu đó là, cà cuống tuy là loài ăn động vật nhưng nó không bắt và nhai ngốn nghiến con mồi. Giống như con nhện, sau khi bắt được con mồi và giữ chặt, nó sẽ tiêm vào các men tiêu hóa để làm tan cơ thể con mồi. Sau đó, nó sẽ hút hết chất bổ béo và con mồi chỉ còn trơ lại lớp vỏ. Nó là loại chích hút. Cấu tạo miệng của nó thích ứng với việc chích hút. Đối với những con mồi lớn, nó đuổi theo và bám chặt vào để hút máu.
Nguồn thức ăn để nuôi cà cuống tốt nhất là các loại cá nhỏ và con dế. Ở Trại dế Thanh Tùng lại rất sẵn dế nên họ đã dùng dế làm thức ăn chính cho cà cuống. Nuôi dế cũng dễ! Chỉ cần một vài cái xô, cái chậu hoặc các thùng giấy, thùng gỗ bỏ đi là ta đã có thể tổ chức nuôi dế. Dế đẻ khỏe lắm! Ta dùng dế để làm thức ăn cho cà cuống. Chúng tôi đã viết thành sách để hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế và kỹ thuật nuôi cà cuống. Bà con tìm đọc sách sẽ hoàn toàn tự nuôi được chúng.
Cà cuống đẻ giống ốc bươu vàng. Nó cũng bò lên cọng bèo hoặc cành cây nhô trên mặt nước và đẻ trứng vào đó. Trứng nó giống hệt như trứng ốc bươu vàng nhưng có màu trắng ngà. Mỗi ổ có tới hàng chục trứng. Chỉ khoảng 5 - 10 ngày sau là trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng sẽ vượt qua 5 lần lột xác (trong vòng 45 - 60 ngày) để trở thành con trưởng thành. Vì vậy, việc gây dựng đàn cà cuống rất nhanh, chả mấy chốc bà con mình sẽ có được hàng ngàn con cà cuống.
Hiện nay, cà cuống rất đắt giá. Tại cửa hàng “Chả cá Lã Vọng” ở Hà Nội, 1 giọt tinh dầu cà cuống có giá tới 50.000 đồng. Tôi cứ nghĩ, chỉ cần bán được 5.000 đồng/giọt là đã tốt lắm rồi. Vậy, sao bà con ta không nuôi?!
Hãy tìm đọc cuốn “Học cách nuôi cà cuống” do chúng tôi viết và Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành, hoặc đến thăm trực tiếp cơ sở của anh Tùng để học tập và mua giống luôn. Chắc chắn, ai có quyết tâm đều có thể nuôi được cà cuống.
Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng (Báo SGGP)
Không có nhận xét nào: