Hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Những năm qua, hồng không hạt là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế địa phương giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 800 ha hồng không hạt; trong đó huyện Chợ Đồn và Ba Bể trồng nhiều nhất với hơn 400 ha. Mỗi hécta cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả, trừ chi phí bà con thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Gia đình ông Hoàng Văn Sen, thôn Bản Váng 2, xã Địa Linh, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) trồng hơn 100 gốc hồng không hạt, mỗi năm cho thu hoạch gần 2 tấn quả, trừ chi phí cũng thu về 20 triệu đồng, cao hơn trồng lúa nhiều lần. Ông Sen cho biết, hồng không hạt dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ 2 - 3 năm là bói quả, đến năm thứ 4 mỗi cây cho 8 - 10 kg quả, năm thứ 6 - 7 cho 20 - 25 kg quả/cây, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ha, gấp 3 - 4 lần trồng lúa.
Theo người dân địa phương, cây hồng không hạt rất dễ trồng và không mất nhiều chi phí và công chăm bón lại được về giá thành, trung bình giá đầu vụ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, đây là loại cây ăn quả có khả năng chịu hạn khá tốt, ít sâu bệnh, không cần phải đầu tư lớn như các loại cây ăn quả khác, phù hợp với vùng đất dốc của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Chị Đỗ Thị Thử, Cán bộ Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết, hồng không hạt là cây đặc sản ở địa phương. Trồng không hạt phải dành quỹ đất riêng, không trồng với các cây khác trong vườn vì cây hồng ưa ánh sáng trực xạ. Hàng năm phải tiến hành cắt bỏ những cành vượt và bấm ngọn để tạo tán cây ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản như thế cây sẽ ra cành khỏe, thấp và dễ chăm sóc cũng như thu hoạch.
Ông Cao Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể chia sẻ: Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện năm 2015 đã xác định tập trung trong giai đoạn tới sản xuất hàng hóa một số cây trồng có tiềm năng thế mạnh ở địa phương, đặc biệt là cây hồng không hạt, cam quýt. Đây là những cây đã được công nhận chỉ dẫn địa lý ở vùng Ba Bể, huyện cũng tập trung để sản xuất thành vùng hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay chưa phát triển thành vùng lớn, huyện cũng đang tận dụng những chính sách theo Nghị quyết 30a để bà con phát triển thành hàng hóa; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định.
Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho hay, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục duy trì, phát triển diện tích cây hồng lên khoảng 1.000 ha và tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.
Để cây hồng không hạt thực sự giúp người dân xóa nghèo, ngoài việc khuyến khích người dân trồng loại cây ăn quả này, các ngành chức năng cần quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng quả mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Hà Linh (TTXVN)
Không có nhận xét nào: