Mía tím, mía trắng đều giảm giá từ 30 – 60%, tiêu thụ khó khăn khiến hàng nghìn hộ dân ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước (Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa. Nhiều bà con chán nản và muốn “đoạn tuyệt” với cây mía, nhưng bỏ mía thì không biết trồng cây gì nên đành nuôi hy vọng vào một vụ mía mới…
Mùa mía “đắng”
Từ vài năm trước, cây mía tím và nay là cây mía trắng đã trở thành cây trồng chính, giúp người dân huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) xóa đói giảm nghèo. Trung bình cứ trồng 1 sào mía, bà con có thu nhập bằng 2 – 3 sào lúa, khi thu hoạch là có ngay một khoản tiền ra tấm ra món để có thể làm các việc lớn như xây nhà, mua xe máy, đồ dùng sinh hoạt... Nhưng năm nay, cây mía ngọt bỗng hóa “đắng” khi giảm giá tới 60%, khiến hàng trăm hộ dân trồng mía điêu đứng.
Người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang gặp khó khăn vì mía không tiêu thụ được. Ảnh: V.T
Anh Lê Văn Lộc - một thương lái đã có hơn 10 năm gắn bó với cây mía ở đây cho biết, ngoài nguyên nhân thời tiết, cung vượt cầu khiến giá mía thấp, còn một nguyên nhân nữa là việc hạ tải và thương lái phải đóng quá nhiều “phí” trong quá trình vận chuyển mía đi tiêu thụ, khi có quá nhiều trạm chốt cảnh sát giao thông từ Bá Thước đi Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… để tiêu thụ.
Về thôn Xịa, xã Điền Trung (Bá Thước), chúng tôi thấy nhiều diện tích mía đã chín khô cả lá, song bà con mới thu hoạch được khoảng 40 – 50%, trong khi thời điểm này năm ngoái, bà con đã thu hoạch gần hết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân mía thu hoạch chậm là do giá mía giảm sâu nên người dân cố để lại, chờ giá lên mới chặt. Đáng buồn thay, càng chờ thì giá mía càng giảm. Người dân cho biết, cách đây 2 tháng, mía tím có giá 8.000 đồng/cây, nay chỉ còn 4.000 đồng/cây. Mía trắng (mía ép nước) 5.000 đồng/cây, giảm còn 2.000 đồng/cây, thậm có lúc chỉ còn 1.500 đồng/cây.
Chị Hà Thị Kỳ ở thôn Xịa buồn rầu nói: “Cây mía từ lúc trồng đến khi được thu hoạch phải mất 11 tháng. Nhưng đến vụ thu hoạch thì mưa liên tục đổ xuống, khiến thị trường ế ẩm, thương lái không thu mua nữa. Cách đây 2 tháng giá mía có giảm, nhưng vẫn còn bán được, giờ thì chỉ lác đác vài người thu mua, lại chê lên chê xuống nên muốn bán cũng khó. Năm nay gia đình tôi trồng 1 mẫu mía tím và mía trắng, đầu tư hết hơn 50 triệu đồng. Cứ với giá mía như hiện nay khó mà hòa vốn, nói gì lãi”.
Theo chị Kỳ, những người trồng mía ở xã Điền Lư, Lương Trung, Lương Nội, Ai Thượng… cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm tương tự. Mía không bán được, để lâu trên đồng cũng bị khô héo nên nhiều hộ đành chặt trước những cây mía xấu về cho trâu, bò ăn. “Bây giờ vào mùa thu rồi, mía trắng khó mà nhỉnh giá lên được, chỉ còn hy vọng vào cây mía tím thôi. Từ đây đến tết mía tím vẫn có thể túc tắc bán được” – chị Kỳ cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng trăm hộ dân ở vùng trồng mía huyện Cẩm Thủy cũng đang sốt ruột như ngồi trên lửa vì mía không bán được. Được biết toàn huyện Cẩm Thủy có khoảng 700ha mía, trong đó có 200ha mía tím và mía trắng chuyên phục vụ ăn tươi.
Từ loại cây xóa đói, giảm nghèo, cây mía nay bỗng trở thành cây nợ nần, nhất là đối với những gia đình khó khăn. Chị Hoàng Thị Dung ở thôn Canh, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) chua chát nói: “Năm nay tôi trồng 4 sào mía trắng, mía lên rất đều và đẹp. Hồi tháng 8 có người trả 4 – 4,5 triệu đồng/sào nhưng tôi không bán, sang tháng 9 họ chỉ trả 3,5 triệu đồng/sào và hiện chỉ còn 2,5 triệu đồng/sào. Tính ra mất gần 50% giá trị chỉ trong gần 2 tháng”.
Thiếu định hướng quy hoạch
Trao đổi với chúng tôi, ông Tào Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Điền Trung (huyện Bá Thước) thừa nhận giá mía năm nay giảm mạnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Hiện xã có khoảng 3.000ha mía các loại, nhưng giá mía đang giảm từ 40 – 50% so với năm trước. Nguyên nhân một phần do vào vụ thu hoạch, mưa bão nhiều nên người dân ăn mía tươi giảm, hơn nữa mưa gió làm mía bị gãy đổ, cong queo cũng là nguyên nhân khiến giá mía giảm. Thứ nữa là có hiện tượng cung vượt cầu” – ông Lý nhận định.
Ông Vũ Đình Hảo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bá Thước cho biết, ngoài cây luồng, những năm gần đây cây mía tím và mía trắng đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Mặc dù là cây trồng chủ lực, song huyện cũng chỉ làm được một việc là “khoanh vùng”, động viên người dân đầu tư khoa học kỹ thuật cho sản xuất, còn đầu ra người dân vẫn phải tự… bơi.
“Chúng tôi có khoanh vùng, nhưng nhà này thấy nhà kia trồng được cũng trồng theo, xã này thấy xã kia trồng hiệu quả cũng trồng, nên rất khó kiểm soát. Bởi ruộng của dân, mình chỉ định hướng cho họ, nhưng họ quyết trồng thì mình cũng không thể ngăn cản được. Đến bây giờ, cây mía vẫn là cây hiệu quả, song lại thường gặp rất nhiều rủi ro, giá cả bấp bênh” – ông Hảo nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lứa mía cũ thua lỗ, chưa bán hết, song nhiều hộ dân vẫn tiếp tục vay mượn tiền để trồng tiếp lứa mía mới. Bởi họ không có sự lựa chọn nào tốt hơn và họ đành gieo hy vọng vào một mùa mía mới bội thu, được giá…!
Việt Tùng - Bùi Việt Trinh (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: