Xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các nước gần đây mới vượt qua con số 1 tỉ USD. Tuy được xem là mặt hàng có kim ngạch xuất siêu, song chớ vội mừng. Nhập khẩu chỉ thống kê được hàng vào theo chính ngạch, còn xuất “lậu” thì rất khó kiểm soát. Lâu nay, trái cây nhập lậu đã thành vấn nạn, hiên ngang vào nội địa theo nhiều ngả, công khai bày bán khắp các nơi.
Ảnh minh họa
Gần đây đã có sự chuyển hướng khích lệ. Vài loại trái cây đã sang được một số thị trường cao cấp, song trên tổng thể xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn chưa thể thoát… Trung. Còn nhập khẩu (kể cả hàng lậu) cũng chủ yếu là hàng Tàu. Chuyện thật như đùa rằng có khi hí hửng tưởng đó là trái cây cao cấp của Mỹ, Úc, song ngớ ra lại là hàng… Tàu 100%. Nút câu chuyện là ở chỗ này.
Việt Nam vốn nổi tiếng với các loại trái cây như nhãn lồng Hưng Yên, vải Lục Ngạn (Bắc Giang), na Đồng Bành (Lạng Sơn), thanh long Bình Thuận… nhưng không ít lần trái cây Việt “ngậm đắng nuốt cay” đưa lên cửa khẩu phía Bắc bị ùn ứ, ách tắc vì phía bạn không cho nhập khẩu, khiến hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau dài hàng cây số, tiếp diễn từ năm này qua năm khác.
Trong một nước, mà dòng người này nhễ nhại đưa trái cây của ta sang Tàu, lại có bao người khác tự nguyện rước trái cây Tàu vào. Đứng giữa hai làn hương vị mà chạnh lòng. Người Việt muốn ăn trái cây Việt thì phải chịu giá đắt gấp nhiều so với giá rẻ mạt mà nhà vườn bán cho thương lái. Còn mua trái cây Tàu thì giá rẻ, nhưng hiểm họa khôn lường.
Làm gì để không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Nếu quyết liệt tiến hành đồng bộ nhiều phương cách đã từng được gợi mở: Đưa trái cây Việt vào kênh phân phối hàng Việt để khuyến khích niềm “Tự hào về trái cây Việt” (dĩ nhiên đó phải là những trái cây có thương hiệu được trồng trọt, bảo quản, chế biến theo quy chuẩn tiên tiến, giám sát chất lượng, bảo đảm VSATTP); Tổ chức phân phối nhanh, chi phí hợp lý tới các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, tụ điểm tiêu dùng; Kiểm soát việc nhập khẩu trái cây bằng các quy định đúng thông lệ quốc tế; Không tạo ra sự kỳ thị, nhưng phải kiên quyết ngăn chặn nhập lậu trái cây từ Trung Quốc và các nước khác. Đồng thời tiếp tục tìm đầu ra, mở rộng thị phần xuất khẩu cho trái cây Việt; Coi trọng xúc tiến thương mại…
Thực thi những giải pháp này cần có sự chủ động, hợp đồng chặt chẽ, phối hợp linh hoạt hơn lúc nào hết giữa 4 nhà (Nhà nước- nhà khoa học- nhà kinh doanh - nhà nông), nhưng cầm chịch phải là nhà nước mới mong có ngày trái cây Việt Nam có vị thế!
Nguyễn Duy Nghĩa (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: