» » Sớm quy hoạch lại việc nuôi tôm hùm

Mỗi năm, nghề nuôi tôm hùm lồng ở nước ta đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho đông đảo người dân từ nhiều hoạt động như nuôi, khai thác giống…

Tư thương thu mua tôm hùm ở Xuân Phương, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Tuy nhiên thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, đó là chưa có một quy hoạch đồng bộ. Ở những tỉnh trọng điểm nuôi tôm hùm hầu như vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm và luôn bị vỡ quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý và làm dịch bệnh dễ lây lan.

Cả nước có khoảng 40.000 lồng nuôi tôm hùm, song vẫn tập trung nhiều nhất là ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Quy hoạch các vùng nuôi tôm hùm đã có từ nhiều năm trước, nhưng đã bị phá vỡ. Nhiều vùng nuôi tôm hùm hoặc phát sinh ngoài quy hoạch hay gia tăng lồng nuôi, phá vỡ quy hoạch và ô nhiễm vẫn là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng này.

Vịnh Xuân Đài có hơn 13.000 ha diện tích mặt nước với hơn 1.100 hộ nuôi khoảng 13.300 lồng trên tổng số hơn 15.000 lồng tôm hùm toàn thị xã Sông Cầu, là vùng nuôi tôm hùm bằng lồng lớn nhất tỉnh Phú Yên. Trong đó, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm với hơn 6.000 lồng, sản lượng tôm thương phẩm bình quân hằng năm hơn 500 tấn. Với giá tôm hùm 1,4 triệu đồng/kg, năm 2015, xã Xuân Phương đạt tổng doanh thu hơn 700 tỷ đồng. Nghề nuôi tôm hùm lồng đã làm đổi đời nhiều ngư dân nơi đây với thu nhập mỗi hộ từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng một vụ sau khi trừ chi phí.

Song, vừa qua, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tại nhiều địa phương trong tỉnh lại xảy ra tình trạng tôm hùm chết số lượng lớn, thiệt hại gần 15 tỷ đồng, riêng xã Xuân Phương thiệt hại hơn chín tỷ đồng.

Là một trong những hộ nuôi tôm hùm nhiều nhất ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, gia đình ông Ngô Văn Ngọc thiệt hại hơn 1.000 con tôm hùm bông, 2.000 tôm hùm xanh, giá trị gần một tỷ đồng. Nhưng khi đem bán chỉ thu được 200 triệu đồng.

Mật độ lồng tôm hùm ở Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên được cho là vượt quá ngưỡng, cần phải quy hoạch lại.

Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên Phạm Đức Thành cho biết: “Bước đầu, theo xã, tôm chết trong thời gian qua là do thời tiết, mùa này biển chưa động, không có dòng lưu thông, nên đáy vịnh Xuân Đài trở thành nơi chứa thức ăn thừa của tôm tồn đọng lâu ngày, bốc mùi hôi thối trong khi mật độ nuôi quá dày, gặp thời tiếp nắng nóng dẫn đến tôm thiếu ô-xy và chết. Tại đây, ngư dân nuôi đến 13.000 lồng tôm hùm được xem là mật độ quá ngưỡng so với mặt nước vùng nuôi đã quy hoạch ở đây”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, việc phát triển nghề nuôi tôm hùm phải phù hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, tỉnh chủ trương duy trì ổn định sản lượng trên cơ sở tổ chức lại các vùng nuôi tôm hùm truyền thống trong diện tích 14.000 ha đầm, vịnh với 18.100 lồng nuôi mỗi năm, giảm khoảng 6.000 lồng so với hiện nay; đầu tư mạnh về khoa học để xây dựng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất giống nhân tạo, thức ăn tươi gia công và thức ăn công nghiệp; tập huấn cho người nuôi công nghệ nuôi thương phẩm và chế biến sản phẩm tôm hùm.

Việc nuôi tôm hùm lồng cần phải quy hoạch trong mức cho phép; hầu hết lồng nuôi tôm hùm tập trung ở vùng ven bờ, đầm, đảo nơi kín gió, nên hộ nuôi phải thu gom chất thải từ thức ăn dư thừa. Hiện, chúng ta chưa tạo cho người nuôi ý thức vệ sinh trong và ngoài khu vực vùng nuôi; tổ chức thu gom rác tập trung, xả thức ăn thừa, tôm bệnh chết xuống khu vực lồng bè, môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, nên số lồng tôm hùm bị bệnh năm 2013 hơn 14.000 lồng; năm 2014 hơn 18.900 lồng và từ đầu năm 2015 đến nay cũng đã ghi nhận được gần 2.800 lồng tôm bị mắc bệnh.

Nghề nuôi tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao nhưng chưa có thương hiệu, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Việc tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống ở trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Người nuôi tôm hùm cũng nên có hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho mình, nhất là về giá cả và chia sẻ kinh nghiệm. Con giống đang được đặt ra cấp thiết khi tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm; bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nhân tạo tôm hùm giống, xây dựng mối liên kết giữa người nuôi tôm hùm với các đơn vị cung cấp yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn… và doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm hùm và sản phẩm có nguồn gốc từ tôm hùm, đồng thời chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm hùm. Đó là những giải pháp bức thiết cho con tôm hùm hiện nay.

Nguyễn Hồng - Phong Nguyên - Trình Kế (Báo Nhân Dân)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: