» » » Đấu giá quyền nhập khẩu: Giá đường sẽ giảm?

Chưa biết việc Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu đường có loại bỏ triệt để cơ chế “xin – cho” trong phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vốn tồn tại từ lâu hay không? Trước mắt người dùng, doanh nghiệp vẫn mong đây sẽ là động thái giúp ổn định giá đường trong nước.

Ông Đỗ Thành Liêm, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết “Tồn kho đường tại các nhà máy còn khá cao nhưng có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao không phù hợp với mặt bằng thị trường. Trước thực tế này, một số công ty sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát đã phản ánh lên Bộ Công Thương không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu” Do vậy, Bộ Công Thương đã tính tới phương án triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường để bù lượng đường thiếu hụt, hạ nhiệt giá bán trong nước.

Giá đang cao chót vót

Tại phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 lần đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức, có 25 hồ sơ của doanh nghiệp tham gia, trong đó có 22 hồ sơ hợp lệ.

Lần đấu giá thí điểm này được phân thành hai nhóm, khi những thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô với tổng khối lượng 40.000 tấn.

Các thương nhân sử dụng đường như các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát… sẽ tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện. Số lượng đấu giá là 45.000 tấn.

Theo kết quả của phiên đấu giá, tổng số tiền Bộ Công Thương thu về đạt khoảng 138 tỷ đồng. Có 8 đơn vị trúng đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, như: công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam được nhập 4.000 tấn; công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, công ty cổ phần sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn….

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước đây, các công ty lớn sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường nhưng số lượng hạn chế. Nếu không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải mua thêm của các nhà máy trong nước hoặc đàm phán với các đối tác nhập khẩu khác với mức giá cao hơn. Hơn nữa, việc phân quota nhập khẩu đường cũng dễ dẫn tới tình trạng xin – cho.

Vì vậy, việc đấu giá quyền nhập khẩu đường được cho là sẽ giảm tình trạng xin – cho gây tranh cãi bấy lâu nay. Song hiệu quả được đến đâu thì cần thời gian chứng minh vì hiện tại, người dùng và doanh nghiệp đang mong trước mắt sẽ bình ổn thị trường đường hiện nay, đưa giá đường về đúng thực tế.

Đánh giá của Bộ Công Thương về giá và tiêu thụ từ đầu năm đến nay cho thấy rằng mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, mức tăng bình quân 10%-15% so với đầu vụ và tăng 20%-30% so với cùng kỳ 2015.

Việc đấu giá đường sẽ giảm tình trạng xin cho

Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các cửa hàng tạp hóa, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đường kính trắng bán lẻ luôn giao động ở mức từ 17.000 – 21.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong nước hiện nay không thiếu. Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, tới trên 410.000 tấn. Nếu cộng với lượng đường của Hoàng Anh Gia Lai chuyển về Việt Nam hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn nhập khẩu theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung sắp về Việt Nam, dự báo thị trường có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn còn khá cao, khoảng 200.000 tấn, bổ sung cho thị trường một lượng đường bất hợp pháp không nhỏ. Vậy nên giá đường cao là do có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng thổi giá lên cao.

Giá đường có giảm?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giá cả trên thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được thì chắc chắn giá cả sẽ biến động.

Nguồn cung hiện nay dư thừa nhưng lại đang bị “gom” lại thay vì tung ra thị trường. Do đó, để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ. Mà một trong những cách để loại bỏ tình trạng đầu cơ, chính là việc triển khai thực hiện đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường.

Theo đại diện Tổng công ty Mía đường 1 (Hà Nội), nguồn cung về đường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu và thị trường dịp cuối năm rất cao, do đó nhập khẩu sẽ góp phần đáp ứng đầy đủ quan hệ cung cầu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do sản lượng mía giảm 10%, nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng lại tăng 100.000 tấn, dự kiến tổng nguồn cung đường trong năm 2016 sẽ giảm khoảng 200.000 tấn.

Việc triển khai thực hiện đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2345/VPCP-KTTH ngày 6/4/2016 để bổ sung nguồn cung cho thị trường là một trong những động thái quan trọng nhằm giúp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước.

Trước thực tế nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Uỷ ban Mía đường Tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng theo tính toán của ông, giá đường bình quân của Việt Nam phải đưa xuống mức giá 10.500 đồng/kg thì mới có thể cạnh tranh được.

“Trước sức ép hội nhập và biến đổi khí hậu ngày càng tăng hiện nay, chúng tôi xác định con đường đi cho Tập đoàn Thành Thành Công nói riêng và ngành mía đường nói chung là phải sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng thời tìm phương án để giảm giá thành”, ông Dương cho biết.

Đây cũng là kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong thời gian sắp tới, hy vọng giá đường sẽ giảm về đúng giá trị thực của nó.

Lê Thúy (Thời báo kinh doanh)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: