Nhiều bà con nông dân tại ĐBSCL lo lắng vì trên cánh đồng của họ có nhiều loại dịch bệnh xuất hiện. Điều đáng nói là liên tiếp hơn 1 tuần nay, trời mưa nhiều nên nông dân khó có điều kiện phòng trị. Điều này ảnh hưởng đến các trà lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng và cũng là giai đoạn xuất hiện sâu bệnh.
Chăm sóc lúa hè thu.
Nỗi lo đạo ôn
Tại Cà Mau, sau hơn 1 tháng xuống giống, hiện nay 36.507 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn gieo mạ 501 ha, đẻ nhánh 35.441 ha, diện tích còn lại đang trong giai đoạn đứng cái và làm đòng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết: “Hiện nay, phần lớn diện tích lúa hè thu nằm trong giai đoạn sinh trưởng. Ðây là giai đoạn hết sức quan trọng quyết định đến năng suất lúa vào cuối vụ. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá và các bệnh khác đang xuất hiện trên 2.506 ha lúa, bà con nông dân đang tích cực phòng trừ. Những ngày vừa qua, do mưa nhiều, độ ẩm không khí tăng cao nên việc phun xịt thuốc chưa đạt hiệu quả cao”.
Người trồng lúa tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời cho biết, đối với bệnh đạo ôn lá, hầu như vụ lúa nào cũng có, nhất là lúc mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng, bệnh đạo ôn xuất hiện và phát triển nhanh ở những giống lúa có sức kháng bệnh kém. Tuy nhiên, năm nay nguy cơ xuất hiện bệnh đạo ôn cao do thời gian gần đây trời liên tiếp mưa, có lúc mưa 3-4 ngày liên tục, điều này thích hợp cho bệnh đạo ôn xuất hiện. Mặc khác, trong lúc trời mưa thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không được hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn lo lắng: “Sau gần 1 tháng xuống giống, thiếu nước, cây lúa phát triển kém. Khi có mưa, đủ lượng nước để nông dân bón phân thì lại là lúc xuất hiện dịch bệnh đạo ôn. Có những diện tích cùng lúc mắc nhiều loại sâu bệnh. Thời tiết cứ mưa liên tục không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển nhiều mà việc phun thuốc phòng trừ của người dân cũng gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả”.
Được biết, xã Khánh Bình là một trong những xã vùng trọng điểm sản xuất lúa hè thu của huyện Trần Văn Thời với diện tích trên 3.500 ha.
Một nông dân than thở: “Tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh luôn xuất hiện trên lúa. Khi mới xuống giống, thiếu nước, bị chim, chuột gây hại; sau đó, đến mưa dầm, cây lúa bị ngộ độc phèn; nay đến dịch bệnh đạo ôn”.
Đã xuất hiện rầy nâu trên diện rộng
Báo cáo của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang… cho thấy, thời gian gần đây, rầy nâu cũng đã xuất hiện tại một số nơi. Tại huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, rầy đã xuất hiện ở nhiều nơi, có nơi mật độ rầy lên đến 3.000 con/m2. Ông Dương Minh Luận - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện - cho biết, một số xã vùng ngọt của huyện xuống giống trễ đã xuất hiện hiện tượng rầy nây. Phòng NN&PTNT khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện mật độ rầy nâu cao cần phải phòng trừ kịp thời không để xảy ra cháy rầy.
Trong khi đó, trên diện tích lúa hè thu muộn tại thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, rầy nâu cũng xuất hiện nhiều, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất của người trồng lúa. Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, toàn tỉnh có đến trên 1.700 ha diện tích có rầy, trong đó trên 460 ha bị nhiễm rầy nâu ở các huyện Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Tỉnh này cũng đã có trên 10.000 ha bị bệnh đạo ôn. Kỹ sư Vương Ngọc Bảo Trân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng - khuyến cáo, nông dân nên tạm ngưng bón phân đạm, cần giữ nước tốt trong ruộng đồng thời phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn trên lá.
Còn theo ông Phạm Văn Sóng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, việc phòng trừ bệnh đạo ôn không khó, nhưng muốn làm được việc đó thì phải thực hiện tốt 2 biện pháp quan trọng nhất. Ðó là bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện bệnh càng sớm càng tốt để chủ động phòng trừ ngay sẽ tiêu diệt triệt để mầm bệnh ngay từ đầu. Bệnh đạo ôn có thể phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, hạt.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng gây hại trên lúa. Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo người trồng lúa bón phân hợp lý, đúng giai đoạn, không bón phân tập trung vào thời kỳ lúa dễ nhiễm bệnh. Khi có bệnh phải tạm ngừng bón thúc đạm và tiến hành phun thuốc phòng trừ sớm. Một số loại thuốc hóa học sử dụng để phòng trừ bệnh như: Fuji-one 40WP, Bump 650WP, Filia 525SE, Kasai - S 92SC, Kabim 30WP, Kabum 650WP, Katana 20SC… Nên lưu ý phun đúng nồng độ và liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì, nếu phun xong trước 2 giờ đồng hồ mà gặp mưa thì phải tiến hành phun xịt lại.
Hoàng Huy (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: