Trong những ngày qua, niềm vui rộ mùa nhãn của nông dân Hưng Yên được nhân lên khi mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ nhãn trở thành hiện thực.
Nông dân xã Hồng Nam đóng bao bì, dán mác cho quả "nhãn sạch" đem đi tiêu thụ.
Vào cuối tháng 8, nông dân các xã Hồng Nam, Quảng Châu, Liên Phương, Hoàng Hanh... của thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) bước vào thu hoạch rộ nhãn chính vụ, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp về tận vườn thu mua nhãn của nông dân.
Bà Trần Thị Bắc, thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam phấn khởi cho biết, năm nay, nhãn được giá, có bốn doanh nghiệp đã về đặt vấn đề ký hợp đồng mua nhãn sản xuất theo quy trình VietGap với hợp tác xã nhãn lồng xã Hồng Nam, đáng tiếc nông dân không có đủ “nhãn sạch” để bán nên không dám ký nhiều.
Bà Bắc cho biết thêm: "Hai năm nay, thành phố Hưng Yên đã hỗ trợ hợp tác xã nhãn lồng xã Hồng Nam xây dựng vùng nhãn xuất khẩu hơn 10 ha, nông dân được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên sản phẩm quả nhãn sản xuất ra đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xuất được một lô sang thị trường Mỹ."
Anh Trần Sách Duẩn, cán bộ phòng giám sát chất lượng, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco đánh giá: “Qua kiểm tra chất lượng quả nhãn, chúng tôi thấy nhãn ở Hồng Nam ngon, đạt yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Công ty TNHH VinEco đã ký hợp đồng và mua sản phẩm của nông dân trồng nhãn trong vùng sản xuất nhãn VietGap, để đưa vào bán tại hệ thống siêu thị của tập đoàn”.
Đến huyện Khoái Châu, vùng sản xuất nhãn muộn lớn nhất tỉnh Hưng Yên, có diện tích khoảng 1.600 ha, anh Nguyễn Văn Thế, Tổ trưởng sản xuất nhãn lồng xuất khẩu, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho biết: “Ngay từ đầu vụ, huyện Khoái Châu đã tổ chức hội chợ nông sản, giới thiệu, quảng bá cho quả nhãn chín muộn Khoái Châu đã thu hút sự chú ý của nhiều tư thương, doanh nghiệp. Họ đã đến tận các hộ trồng nhãn để đặt mua hàng với số lượng lớn, giúp nông dân tiêu thụ nhãn với giá cả hợp lý, ổn định”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, vụ nhãn năm nay ở Hưng Yên thu hoạch muộn hơn so với những năm trước khoảng nửa tháng. Mặc dù, cơn bão số 1 gây thiệt hại khoảng 30% về sản lượng ở một số vùng trồng nhãn trọng điểm, nhưng sản lượng nhãn của cả tỉnh vẫn đạt khoảng 35 nghìn tấn, được mùa. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có hai vùng trồng nhãn xuất khẩu, diện tích hơn 20 ha, với gần 200 hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGap nên sản lượng “nhãn sạch” không nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị, xuất khẩu.
Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng quả nhãn, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, Nguyễn Tuấn Cường cho biết, thành phố Hưng Yên nguồn kinh phí có hạn nên thực hiện phương châm làm đến đâu, chắc đến đó. Trong năm tới, thành phố Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng vùng trồng nhãn an toàn theo quy trình VietGap lên khoảng 50 ha, tạo ra sản lượng nhãn đạt chất lượng cao đủ lớn, trước mắt phục vụ nhu cầu của các hệ thống siêu thị trong nước, sau đó tiến tới xuất khẩu.
Hưng Yên là vùng trồng nhãn lớn, có tổng diện tích khoảng 3.200 ha, với 90% diện tích nhãn ở Hưng Yên thuộc nhóm giống nhãn lồng đặc sản và nhãn chín muộn gồm: nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn cùi, nhãn Khoái Châu. Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đầu tư cho cây nhãn nhưng còn manh mún, nhỏ giọt chưa tương xứng với vị thế của cây nhãn. Để các vùng trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục quan tâm đưa ra các chính sách hiệu quả: củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân giống, mô hình trồng nhãn tiên tiến cho nông dân; mở rộng vùng trồng nhãn an toàn theo quy trình VietGap. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giữ gìn hình ảnh, nhãn hiệu cho quả nhãn lồng đặc sản và tạo điều kiện giao lưu, tiếp xúc giữa người trồng nhãn với doanh nghiệp để ký kết tiêu thụ nhãn cho nông dân; nhất là việc hướng tới thị trường xuất khẩu có tiềm năng trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...
Phạm Hà (Báo Tiền Phong)
Không có nhận xét nào: