Myanmar đang cố gắng lấy lại vị thế của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Một điểm cho thuê máy nông nghiệp do MAPCO quản lý - Ảnh: Nikkei.
MAPCO, tập đoàn nông nghiệp quốc doanh của Myanmar, hiện đi đầu trong các nỗ lực cải tổ ngành nông nghiệp nước này, với kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy xay xát gạo tập trung để cải thiện chất lượng gạo, theo báo Nikkei.
Đồng thời, tập đoàn này cho nông dân thuê nhiều máy nông nghiệp với mức phí ưu đãi để giúp nông dân nâng cao năng suất.
MAPCO cũng đang triển khai quy hoạch các khu vực sản xuất gạo dọc sông Ayeyarwady. Khu vực này từng là vựa lúa gạo chính của Myanmar. Tại thị trấn Kyaiklat phía Nam sông Ayeyarwady, một trong những nhà máy xay xát gạo lớn nhất nước đang được xây dựng.
Nhà máy này sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, mỗi ngày có thể xay xát khoảng 450 tấn gạo, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 20 triệu USD.
Mùa hè năm ngoái, MAPCO cũng khởi công xây dựng nhà máy xay xát gạo lớn với công suất 220 tấn/ngày tại Naypyitaw, thủ đô của Myanmar. Trong 3 năm tới, sẽ có thêm từ 3 đến 4 nhà máy xay xát gạo mới được xây dựng.
Hiện nay, nhiều nông dân Myanmar đang được tham gia chương trình thuê máy nông nghiệp của chính phủ với mức phí rất thấp, chỉ từ 8,5 - 38 USD/tháng tùy loại máy. 20 trung tâm cho thuê máy nông nghiệp như vậy sẽ được thành lập trên khắp đất nước Myanmar.
Dân số của Myanmar hiện khoảng 50 triệu người, trong đó 70% đang làm nông nghiệp.
Khu vực đồng bằng ven sông Ayeyarwady có chất lượng đất rất tốt. Nhờ khí hậu ấm áp, người nông dân khu vực có thể canh tác 2 - 3 vụ lúa mỗi năm. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mà từ thập niên 1920 - 1960 của thế kỷ trước, Myanmar giữ vững vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền vào năm 1962, chính quyền quân sự Myanmar đã thắt chặt kiểm soát ngành nông nghiệp, cấm các công ty tư nhân tham gia xuất khẩu gạo. Đầu tư tư nhân trong nông nghiệp giảm sâu, cùng lúc đó, chất lượng và sản lượng xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh. Đến năm 2015, xuất khẩu gạo của Myanmar chỉ còn đứng thứ 6 trên thế giới.
Lệ Thu (vneconomy)
Không có nhận xét nào: