» » Mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL: Những phân tích thiệt - hơn

Đã đến lúc phải xây dựng một quy trình chuẩn trong quy hoạch và phát triển mô hình lúa - tôm vùng ĐBSCL là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL được tổ chức tại Bạc Liêu ngày 22.7.


Mô hình đang… hot

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho thấy, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ của cả nước với diện tích sản xuất trên 621.000 ha, chiếm 91,2% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng đạt 484.000 tấn, chiếm trên 80% sản lượng cả nước.

Riêng mô hình lúa - tôm đã được các tỉnh ĐBSCL áp dụng khá lâu và rất hiệu quả kể cả trên cây lúa lẫn con tôm. Diện tích đối với mô hình canh tác này lên đến 152.977 ha, tăng 2,5 lần so với năm 2000. Các tỉnh có diện tích canh tác theo mô hình này nhiều nhất là Kiên Giang 77.860 ha, Cà Mau 42.000 ha, Bạc Liêu trên 29.400 ha. Đặc biệt, trong đợt nắng nóng, khô hạn xâm nhập mặn vừa qua, do nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nên nhiều người dân đã tự chuyển đổi đất lúa sang mô hình lúa - tôm.

Trong khi đó, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình canh tác lúa - tôm đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế: Đầu tư thấp, hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm; giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo và tôm sạch, được thị trường ưa chuộng...

Khảo sát của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năng suất bình quân của mô hình lúa - tôm khoảng 300-500 kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi 35-50 triệu đồng/năm (tính cả tôm và lúa).

Theo các nhà khoa học, sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác lúa - tôm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại diễn đàn, các đại biểu nêu thực trạng như: Hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh trong thực hiện mô hình; sản xuất phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất còn thấp, chưa ổn định; nguồn giống phục vụ sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khó kiểm soát; biến đổi khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất…

Ông Trần Tân Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú - cho biết: Do lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa nên người dân có xu hướng giữ nước mặn nhằm kéo dài vụ tôm, rút ngắn thời gian vụ lúa. Đây là nguyên nhân làm mất đi những ưu điểm về cân bằng sinh thái từ mô hình lúa - tôm mang lại. Đồng thời, vấn đề đặt ra là năng suất lúa - tôm trong vùng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Mặt khác, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng mới chỉ được quan tâm tại một vài nơi. Do vậy, dù có nhiều ưu thế về sản xuất nông sản chất lượng cao nhưng tiềm năng của vùng sản xuất này chưa được khai thác hiệu quả.

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, với những dự báo về biến đổi khí hậu và mực nước dâng cao, xâm nhập mặn có nhiều nguy cơ tăng. Chính vì vậy, khả năng diện tích sản xuất theo mô hình này tại ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.

Dù có đưa ra nhiều giải pháp, hay hạn chế nhưng tất cả đều thống nhất đây là mô hình canh tác bền vững nhất cho các tỉnh ven biển ĐBSCL. Và trong khi các nhà khoa học, nhà quản lý mãi phân tích thiệt hơn thì diện tích sản xuất theo mô hình này tăng từng ngày. Bởi đây là mô hình của người dân, do người dân sáng tạo trong quá trình sản xuất chứ không do bất cứ nhà khoa học nào nghiên cứu. Có chăng là những dự án, đề tài làm nên hàng loạt tiến sĩ từ mô hình lúa - tôm của người dân.

Tiêu chuẩn nào cho cả cây lúa lẫn con tôm?

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - dự báo, diện tích lúa - tôm đến năm 2020 khoảng 200.000 ha, tăng gấp nhiều lần so với năm 2000. Vùng sản xuất lúa - tôm cần nhanh chóng xây dựng các thương hiệu gạo theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP và các loại GAP khác, gạo hữu cơ.

Ông Hòa cho rằng: “Cần quy hoạch xác định vùng có khả năng phát triển lúa - tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững”.

Ông Phan Thanh Lâm - Viện Nuôi trồng thủy sản 2 - cho rằng: Mô hình canh tác lúa - tôm tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Để giảm những rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao, cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến lại hệ thống đồng ruộng, chủ động hệ thống bơm nước và phát triển theo hướng cộng đồng.

Ông Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - nhận định: Cần làm quyết liệt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất lúa - tôm, cần thiết xây dựng một vùng chuyên sản xuất lúa - tôm.

Hoàng Huy (Báo Lao Động)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: