» » Lợi thế của cây điều trong khô hạn

Đợt khô hạn lịch sử vừa qua tác động lớn đến sản xuất nhiều loại cây trồng. Lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm, chủ yếu là trồng trọt, 6 tháng đầu năm giảm trên 6%, 1,3 triệu tấn lúa so bị thiệt hại, khoảng 100.000ha cà phê bị ảnh hưởng đến năng suất... Nhưng cây điều lại tỏ ra thích nghi và phù hợp tốt với bối cảnh biến đổi khí hậu.

Ứng xử chưa phù hợp

Các nhà nhập khẩu cho biết, chưa thấy nhân điều ở nước nào có hương vị thơm và ngon như của Việt Nam nên khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn. Đây là lợi thế lớn so với hai đối thủ của ngành là điều Ấn Độ và Brazil trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bước qua năm thứ 10 liên tục, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dẫn đầu thế giới về nhân điều và chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5 tỷ USD). 4 năm liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 năm qua trên 2 tỷ USD. Nhân điều Việt Nam có mặt hơn 50 nước và không phụ thuộc chính bất cứ thị trường nào; trong đó, Mỹ (30% thị phần), EU (25%), Trung Quốc (20%).

Cần có quỹ đầu tư phát triển ngành điều. Ảnh: Cao Thăng 

Diện tích trồng điều từ 5.000ha năm 1982, đến năm 2007 đạt 444.000ha do sản phẩm thu hoạch bao nhiêu đều được các doanh nghiệp mua hết để chế biến. Nhưng do cả Nhà nước và người dân chưa có cách ứng xử phù hợp, khi ngay từ đầu chỉ xem điều là cây trồng xóa đói giảm nghèo, người trồng điều không có điều kiện hoặc không chú ý chăm sóc, chỉ xem là cây lâm nghiệp phủ xanh đất trồng đồi trọc nên năng suất rất thấp, dù có giai đoạn nhờ thâm canh năng suất có lúc lên 1,1 tấn/ha, nhưng sau đó giảm còn khoảng 0,8 tấn/ha. Trong khi công suất chế biến của nhà máy tăng dần, nguyên liệu trong nước sụt giảm. Năm 2000, các doanh nghiệp nhập khẩu 25.000 tấn điều thô về chế biến, 10 năm sau là 350.000 tấn và đến 2015 con số này là 867.000 tấn. Điều thô nhập khẩu để chế biến đã gấp hơn hai lần so với nguồn nguyên liệu trong nước. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu điều thô thứ 2 thế giới, số lượng nhập gần bằng nước nhập khẩu lớn nhất là Ấn Độ và gấp hơn 10 lần nước nhập khẩu thứ 3 là Brazil.

Có thể nói đây là nghịch lý của ngành điều. Ngành hàng có thể nói gần như là duy nhất không chỉ dẫn đầu về chế biến và xuất khẩu nhân điều trên thế giới mà còn là nước đi đầu và xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều (mặc dù vẫn còn gây tranh cải về việc này). Sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu khiến ngành điều dễ trở thành ‘‘con tin” của những nước xuất khẩu điều thô ở châu Phi. Thời gian qua, do tranh mua điều thô của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp châu Phi, nhất là Bờ Biền Ngà, nước xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới đã “bẻ kèo” khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi không giao hàng và đòi thêm giá hoặc phải đặt cọc trước thay vì chỉ mở L/C khi ký hợp đồng như thông lệ quốc tế.

Quỹ phát triển điều bền vững

Mới đây, tại đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhiệm kỳ 2016-2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trong khi nhiều loại cây trồng bị thiệt hại nặng nề đợt khô hạn lịch sử vừa qua thì cây điều lại cho thấy khả năng và lợi thế khi biến đổi khí hậu ngày càng tỏ ra cực đoan. Vẫn giữ vững năng suất và lần đầu sau nhiều năm diện tích cây điều không còn bị chặt phá hàng loạt để chuyển qua cây trồng khác mà gần như được giữ nguyên. Ba năm qua, cùng với sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT, hiệp hội và nông dân trong việc thâm canh, cải tạo giống đã giúp năng suất điều tăng thêm 3 tạ/ha/vụ lên 1,3 tấn/ha/vụ; thu nhập từ cây điều đã được nâng lên. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, chưa cần tăng diện tích nhưng sản lượng điều đã tăng lên. Đây là dấu hiệu tích cực, cần tạo điều kiện để người trồng điều tiếp tục thâm canh, tuyển chọn cây giống tốt để đưa năng suất điều bình quân lên 2 tấn/ha và hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas, dư địa cho vùng trồng điều còn nhiều trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nếu có sự đầu tư và chính sách đúng, diện tích và năng suất điều sẽ còn được cải thiện. Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Nông nghiệp và nông dân trồng điều Vinacas cho rằng, khi các nước hạn chế xuất thô (cách mà hơn 20 năm trước Việt Nam đã làm) ngành chế biến điều Việt Nam sẽ gặp khó. Vì vậy phải chủ động nguồn nguyên liệu trong nước mới đảm bảo phát triển điều bền vững. Điều này là trong tầm tay một khi quyết tâm làm. Với 300.000ha điều hiện nay, nếu tăng 2 tấn/ha đã có khoảng 600.000 tấn. Thực tế hiện có nhiều mô hình 3 đến hơn 4 tấn/ha sẽ là mục tiêu từng bước nâng dần lên, qua đó có thể gần như chủ động nguồn nguyên liệu. Nhưng bà Nga cho rằng, vấn đề hiện nay là đất đai chưa được ổn định. Việc cấp giấy quyền sử dụng đất gặp khó khăn. Nếu diện tích lớn phải thuê nên gặp khó khi cải tạo vườn do không yên tâm. Ngay trong chuỗi giá trị, cần làm mạnh hơn việc liên kết doanh nghiệp với nông dân. Khi doanh nghiệp cùng nông dân bắt tay, hỗ trợ một phần vốn và nhận hỗ trợ một phần từ Nhà nước.

Vinacas đề xuất thành lập quỹ phát triển điều bền vững nhằm mục đích giúp ổn định sản xuất điều, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp - nông dân trồng điều. Nguồn thu của quỹ gồm hỗ trợ của Nhà nước, phần thu trên đầu tấn xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (1-2 USD/tấn nhân điều xuất khẩu), nguồn tài trợ và nguồn thu khác. Khoảng 50 - 70% kinh phí của quỹ dùng để hỗ trợ cho chương trình thâm canh cải tạo vườn điều và nghiên cứu giống, hỗ trợ nông dân trồng điều, 30 - 50% còn lại chi cho việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị chế biến điều, nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước. Công Phiên

Nâng cao giá trị

Hơn 20 năm trước Việt Nam đã ngưng xuất khẩu điều thô để ngày hôm nay trở thành quốc gia chế biến và xuất khẩu nhân điều dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn là đất nước có công nghệ chế biến hạt điều phù hợp, mang tính cạnh tranh nhất so với nhiều hãng chế tạo thiết bị chế biến hàng đầu thế giới. Đây là bài học và tấm gương mà các nước xuất khẩu diều thô lớn nhất thế giới ở châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà quyết tâm trở thành nước chế biến nhân điều thay vì tiếp tục xuất khẩu điều thô như cách mà Việt Nam đã thực hiện thành công. Chủ trương và nhiều chính sách đã được chính phủ Bờ Biển Ngà đưa ra để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến điều. Việc hạn chế đến ngưng xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà hay cả châu Phi chỉ là vấn đề thời gian. Trong cuộc đua này, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, cho rằng, lợi thế nghiêng về Ấn độ nhờ nói tiếng Anh tốt và Trung Quốc là nước tiêu thụ nhân điều lớn, đặc biệt là các ngân hàng hỗ trợ tốt doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài. 2 nước này lại có cộng đồng dân cư lớn ở châu Phi. Không thể coi thường các nước châu Phi trong 10-20 năm tới, nếu không có giải pháp khắc phục, công nghiệp chế biến nhân điều trong nước sẽ đi xuống do mất dần lợi thế.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu điều thô cần đoàn kết, không bị áp đặt cuộc chơi, nhưng để có nguyên liệu ổn định cần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như ngành chế biến điều cần phải chuyển qua giai đoạn mới, chế biến sâu thay vì dừng lại ở sơ chế nhân điều để cung cấp trực tiếp vào các siêu thị như Walmart, Costco, Tesco… ở Mỹ hay ở siêu thị của Đức như cách mà Công ty Long Sơn và một số công ty khác đang làm. Hiện khoảng có 20 cơ sở lớn đầu tư vào chế biến sâu với các sản phẩm ăn liền như điều rang muối, điều chiên bơ, điều gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều… với công suất 15.400 tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra còn có 26 cơ sở chế biến dầu vỏ hạt, công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm và 5 cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm.

Nhưng điều quan trọng không kém là vấn đề quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cần phải được quan tâm. Cả nước có hơn 150 doanh nghiệp chế biến quy mô lớn, mới có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, BRC. Các cơ sở chế biến điều công suất nhỏ đang chiếm số lượng lớn, trong đó có nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình 5 - 7 lao động làm nảy sinh nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc kiểm tra thời gian qua mới dừng lại ở việc đánh giá, phân loại cơ sở, các địa phương chưa xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. An toàn thực phẩm là điều kiện sống còn mà ngành chế biến điều Việt Nam đang cạnh tranh với Brasil, Ấn Độ. Nếu chất lượng không được cải tiến thì chăng có nghĩa lý gì nếu gia tăng sản lượng chế biến.

Cùng với vấn đề vệ sinh thực phẩm, vị thế là nước xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới, sản phẩm được khách hàng đánh giá là ngon, thơm nhất nên cần phải tập trung xây dựng thương hiệu điều quốc gia, xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng điều trọng điểm, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp để từng bước quảng bá, nâng cao vị thế và hình ảnh sản phẩm nhân hạt điều Việt trên thị trường thế giới, từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Đăng Lãm (Báo SGGP)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: