» » » Vải thiều Lục Ngạn: Giá bán cao, người mua dè dặt

Theo Sở NNPTNT và Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp Hà Nội sẽ tiêu thụ 1.000 tấn vải của huyện Lục Ngạn. Trong đó, lượng vải tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc sẽ tăng 30% so với năm trước (năm 2015 tiêu thụ 300 tấn), tại hệ thống của Hapro khoảng 100 tấn, tại chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên sẽ tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn… Tuy nhiên, hiện tại giá vải bán tại các hệ thống siêu thị có giá khá cao, từ 35.000 - 45.000 đồng/kg nên tốc độ bán không nhanh.


Giá cao, sức mua chậm

Tại lễ khai mạc “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016” (tổ chức tại Big C ngày 24.6), Sở Công Thương Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã giới thiệu sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng Hà Nội với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg nhưng sức bán không nhanh như kỳ vọng. Trong khi đó, vải thiều bán tại các chợ dân sinh giá thấp hơn khoảng 15-20% nên người dân có tâm lý so sánh. Bà Phan Thị Thanh Nhàn (trú tại khu tập thể Trần Phú - Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Nếu mua tại chợ Nghĩa Tân, vải Lục Ngạn cùi dày, hạt nhỏ chỉ có giá 25.000 -30.000 đồng, trong khi đó giá vải này bán tại hệ thống siêu thị giá lên tới 40.000 - 45.000 đồng, nên người mua hàng có phần cân nhắc, vì mỗi chùm vải nặng khoảng 2-3kg, người mua cũng đã bị chênh giá đến 30.000 - 40.000 đồng/chùm, một khoản tiền không nhỏ.

Không riêng gì bà Nhàn, nhiều người dân tham gia Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn đều có chung thắc mắc: Hiện tại chợ truyền thống, vải thiều Lục Ngạn loại tương đối ngon có giá bán bình quân khoảng 20.000 - 24.000 đồng/kg, nhưng trong siêu thị lại bán đắt gần gấp đôi là điều rất khó hiểu.

Thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, vải thiều Lục Ngạn năm nay sản lượng thấp, không dư hàng, nên có giá cao hơn mọi năm. Thực tế cho thấy, mặc dù giá cao hơn năm trước, nhưng tại các chợ dân sinh vải loại 1 cũng chỉ bán giá 30.000 đồng. “Hiện tại đang chính vụ, nhưng vải thiều tại siêu thị tới 45.000 đồng/kg là quá cao, cần phải điều chỉnh lại. Nếu vải mua tại gốc giá cao, vậy tại các chợ dân sinh, giá vải thiều loại ngon cũng chỉ có giá 17.000 - 23.000 đồng/kg - bà Lê Thị Hoa (trú tại khu tập thể Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc.

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhất Nam: Những năm qua doanh nghiệp hỗ trợ người nông dân huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) tiêu thụ vải đạt tiêu chuẩn VietGAP với số lượng lớn nhưng giá bán cũng không cao như vải Lục Ngạn. Năm nay ngay từ đầu vụ vải hệ thống siêu thị Fivimart đã bày bán vải Thanh Hà với giá 28.000 đồng/kg, rẻ hơn vải Lục Ngạn từ 7.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng kêu đắt nên sức tiêu thụ không được như kỳ vọng ban đầu. “Vải Thanh Hà rẻ hơn mà bán còn khó thì việc tiêu thụ vải Lục Ngạn còn khó hơn nhiều” - bà Vũ Thị Hậu khẳng định.

Không chú trọng bao bì, mẫu mã

Ông Phan Trí Dũng - một người mua hàng - góp ý kiến: Vải thiều Lục Ngạn tiêu chuẩn VietGap, nhưng không được đóng gói theo tiêu chuẩn mà chỉ được buộc túm rất sơ sài, nếu nhìn qua sẽ không phân biệt được vải VietGap và vải trồng đại trà. Vì vậy, bỏ ra 45.000 đồng người mua cảm thấy không tương xứng. Nếu các doanh nghiệp chịu khó đầu tư bao bì, in nhãn mác, xuất xứ kèm dòng khẳng định nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… thì người mua sẽ cảm thấy giá 45.000 đồng cho 1kg vải thiều công nghệ sạch là rất rẻ.

Trước đây, khi trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho rằng, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chi phí đầu vào cao, khiến đẩy giá thành quả vải lên cao. Mặc dù vậy, sức mua tại vườn vẫn rất ổn định, hầu như vải thiều tiêu chuẩn VietGap chín đến đâu, thương lái Trung Quốc thu gom mua hết đến đấy, không có chuyện vải thiều Lục Ngạn ế hàng do giá cao.

Phần lớn ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, vải thiều Lục Ngạn được coi như đặc sản của miền Bắc, mùa vải chỉ chín rộ 1-2 tháng nên càng quý hiếm. Hơn nữa, hiện tại vải thiều VietGap và vải thiều trồng đại trà không theo tiêu chuẩn chưa có sự khác biệt về cách trình bày, bao bì, thương hiệu… Người tiêu dùng chủ yếu mua theo lời giới thiệu của người bán, nên độ tin cậy chưa cao.

“Sở Công Thương và Sở NNPTNT Bắc Giang, cũng như người trồng vải cần lưu ý tăng cường đầu tư thương hiệu. Nếu người dân cảm thấy tin tưởng, yên tâm, thì giá bán có thể cao hơn mà chẳng ai thắc mắc” - bà Vũ Hạnh Nhi (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Khánh Vũ (Báo Lao Động)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: