» » » Ông Trần Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai: 20 phút làm thủ tục, vải thiều sẽ được thông quan

Là thị trường truyền thống, những năm gần đây vải thiều Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng được xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu Lào Cai. Mùa thu hoạch vải đang đến gần, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trần Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Vũ Hoàng.

Việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua cửa khẩu của tỉnh Lào Cai những năm trước đã khá thuận lợi, nỗ lực cho kết quả này là gì, thưa ông?

- Những năm gần đây, trên cơ sở nội dung làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Lào Cai và các bộ, ngành chức năng, việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua cửa khẩu Quốc tế của Lào diễn ra thuận lợi. Vụ vải thiều 2015, thời điểm chính vụ bình quân mỗi ngày có từ 400 - 500 tấn, thậm chí ngày cao điểm lên tới gần 1,2 nghìn tấn vải thiều thông quan qua các cửa khẩu Quốc tế của Lào Cai. 

Để đáp ứng việc thông quan thuận lợi, Cục Hải quan Lào Cai đã bố trí cán bộ tại các Chi cục làm tăng giờ vào buổi sáng, giờ nghỉ trưa để kịp làm thủ tục thông quan. Năm 2015, hơn 25 nghìn tấn vải thiều đã được xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai thuận tiện. Đây cũng là những cửa khẩu có lượng vải thiều lớn xuất qua biên giới Việt- Trung.  

Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải thiều và một số nông sản khác trong năm nay, Cục Hải Quan Lào Cai đã có kế hoạch như thế nào?

- Phát huy kết quả đạt được năm trước, mới đây, lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên và các bộ, ngành chức năng đã sớm họp bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều qua các cửa khẩu Quốc tế của Lào Cai. Thông tin chúng tôi nhận được từ phía tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2016, sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh ước đạt 130 nghìn tấn, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40% sang Trung Quốc, trong đó lượng vải qua các cửa khẩu của Lào Cai chiếm số lượng lớn. Đến thời điểm này, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuất khẩu vải thiều. 

Cụ thể, đối với Cục, ngay từ đầu quý II đã xây dựng kế hoạch cho việc tiêu thụ nông sản nói chung, đặc biệt là vải thiều Bắc Giang. Trong đó, ưu tiên tạo điều kiện làm thủ tục thông quan nhanh chóng với vải thiều tươi. Cùng đó, tiếp tục tăng cường cán bộ chuyên môn, làm thêm giờ. Để tránh ùn tắc khi thông quan, đơn vị đã có phương án phân luồng cửa khẩu, kiểm dịch thực vật, quản lý phương tiện và phục vụ kho bãi với mục tiêu vải thiều qua cửa khẩu thuận tiện nhất.

Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích các thương nhân xuất khẩu vải quả tươi. Ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng này; bố trí công chức chuyên trách tư vấn giải quyết thủ tục xuất khẩu mặt hàng vải quả tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời tiếp thu các phản hồi, xử lý thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

Theo ông, việc xuất khẩu vải thiều năm nay có gì mới hơn những năm trước?

- Có thể nói, vướng mắc lớn nhất để vải thiều nói riêng và các mặt hàng khác thông quan qua cửa khẩu chính là khâu thủ tục thì gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Luật Hải quan 2014 và một số Nghị định, thông tư liên quan có hiệu lực đã tạo hành lang thông thoáng của các tư thương, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa trong đó có vải thiều. Đặc biệt, việc áp dụng hệ thống thông quan tự động sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các khâu giải quyết của chúng tôi rất nhanh chóng, thuận tiện. Chậm nhất 20 phút làm thủ tục, vải thiều sẽ được thông quan. Qua đó giảm thời gian để lưu thông hàng hóa. Đồng thời, Phòng Quản lý xuất - nhập khẩu bố trí bộ phận phục vụ công tác cấp C/O (chứng nhận chất lượng). 

Vải thiều được thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Kim Thành (Lào Cai).

Năm nay tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành đưa vào sử dụng đã giảm thiểu 1/2 thời gian (5 tiếng) vận chuyển hàng hóa từ Bắc Giang tới cửa khẩu. Mặt khác, sự phối hợp xúc tiến thương mại chặt chẽ giữa Sở Công thương Lào Cai và Sở Công thương Bắc Giang là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc tiêu thụ vải thiều qua các cửa khẩu Quốc tế Lào Cai thuận lợi hơn. 

Năm trước, vải thiều qua cửa khẩu vẫn còn tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?  

- Xuất khẩu vải thiều tươi qua tỉnh Lào Cai đến thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cách làm truyền thống của thương nhân hai nước. Trước đây, thương nhân thực hiện thủ tục xuất khẩu vải tươi tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhưng hạ tầng hạn chế, cầu qua sông hẹp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa. Mùa thu hoạch vải thiều, khi các xe hàng kéo về chờ làm thủ tục thông quan, gây tắc cửa khẩu là điều khó tránh khỏi.  

Mặt khác, thị trường Trung Quốc vốn thiếu ổn định, nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn về sản lượng tiêu thụ. Sau khi hoàn thành thủ tục thông quan, vải thiều Việt Nam tiếp cận vào thị trường Trung Quốc thông qua việc tập kết tại khu vực Hà Khẩu. Tại đây, giao dịch được thực hiện và một sản lượng lớn vải thiều bị ép giá. Nhiều thương lái phải bán với giá thấp vì quả vải tươi nhanh xuống mã trong mùa hè nếu chưa được bảo quản. Giá xuất khẩu vải thiều phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc trong khi một số thương nhân Việt Nam giao dịch chủ yếu bằng “hợp đồng miệng”, nên không có giá trị ràng buộc.

Vậy ông có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp để khắc phục tình trạng trên?

- Để tránh ùn tắc và ép cấp, ép giá, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân cần xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đó là yếu tố quan trong để bảo đảm an toàn trong ký kết hợp đồng ngoại thương, hạn chế thấp nhất những rủi ro. Việc xuất khẩu chính ngạch giúp các phương tiện chở hàng của Việt Nam có thể sang thẳng Hà Khẩu giao hàng mà không phải xếp dỡ, sang tải tại Lào Cai. 

Cùng đó, thương nhân Việt Nam cũng cần tăng cường tính đoàn kết, hợp tác, trao đổi thông tin, chủ động trong kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng và cập nhật thông tin về thị trường bên kia biên giới hằng ngày trong việc xuất khẩu hàng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hân (Báo Bắc Giang thực hiện)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: