» » Doanh nghiệp dùng chiêu trò, nông dân 'sập bẫy'

"Các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật họ rất khôn, khi đưa ra rất nhiều các chương trình khuyến mại, tặng quà khi mua sản phẩm mới, dùng các loại thuốc của công ty họ. Và người nông dân đang bị quyến rũ bởi các chương trình này".
    
Báo NTNN ngày 28.6 thông tin việc trong 6 tháng đầu năm, nước ta đã chi 346 triệu USD (hơn 7.600 tỷ đồng) để nhập nguyên liệu và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì sao Việt Nam nhập nhiều thuốc bảo vệ thực vật như vậy? Phóng viên NTNN/Dân Việt đã trao đổi với GS- TS, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

GS-TS Võ Tòng Xuân nói: Tôi nghĩ 346 triệu USD chỉ là con số trên sổ sách, chứ trên thực tế con số này sẽ còn cao hơn nhiều. Bởi việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật của chúng ta rất kém, dường như sự quản lý của Nhà nước đang bị “tê liệt”. Hàng năm, ngoài thuốc nhập theo đường chính ngạch, còn rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật được vận chuyển trái phép qua các biên giới giáp ranh với Trung Quốc, Thái Lan. Vấn đề là hiện Nhà nước không kiểm soát được nguồn gốc thuốc đầu vào và các thuốc đầu ra.

Có ý kiến cho rằng chúng ta nhập nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhưng để phối trộn, sang chai đóng gói cũng lớn... Cũng có nhiều ý kiến là nước ta vẫn đang sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, vậy phải chăng do nông dân lạm dụng?

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân vừa tốn kém chi phí, vừa bị ảnh hưởng sức khỏe, (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.T

"Hiện giá cả thuốc bảo vệ thực vật thì trên trời, do các công ty định đoạt. Nếu trước đây còn có công ty nhà nước, để điều tiết giá cả, nhưng nay đã số đã được cổ phần hóa, nên giá đều do các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật định đoạt. Và người khổ nhất, thiệt thòi nhất đương nhiên là người nông dân." GS-TS Võ Tòng Xuân

- Hiện nông dân vẫn chưa quen với việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, sạch, mà đang lệ thuộc quá nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật. Các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật họ rất khôn, khi đưa ra rất nhiều các chương trình khuyến mại, tặng quà khi mua sản phẩm mới, dùng các loại thuốc của công ty họ. Và người nông dân đang bị quyến rũ bởi các chương trình này. Người dân sử dụng một cách tức thời, do đó sẽ không có được những sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân?

-Rõ ràng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều như hiện nay có tác hại  rất lớn. Tác hại đầu tiên là chúng ta không có được sản phẩm sạch để ăn, không có sản phẩm đạt chất lượng để xuất khẩu. Và rõ ràng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và người nông dân sẽ là người gánh chịu đầu tiên và sau đó là toàn xã hội.

Vậy theo GS, có cách nào để người dân hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp?

- Nhiều tỉnh đang khuyến khích và thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, nếu người dân tuân thủ theo đúng quy trình thì rất hiệu quả. Ví dụ: Trước khi gieo sạ, người dân nên trộn thóc giống với phân NPK rồi vãi cùng, hoặc vãi phân trước, sạ lúa sau thì chỉ cần sạ thưa khoảng 80kg thóc/ha, với cách cũ thì phải 150kg thốc/ha. Việc sạ thưa, cộng với bón phân trước sẽ giúp cho cây lúa khi mọc lên rất khỏe, ít sâu bệnh.

Có thể nhận thấy, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp có các chiêu trò thúc đẩy nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?

- Đúng như vậy, sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, do đó các công ty, tập đoàn đưa ra rất nhiều chiêu trò để “mị” người dân dùng thuốc của mình. Ngoài ra như tôi đã nói ở trên, việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta còn lỏng lẻo, do đó doanh nghiệp lợi dụng để nhập những thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm, sau đó sang chiết chai, đóng gói và bán, theo giá của họ định đoạt. Người dân càng dùng nhiều, họ càng lãi nhiều.

Thuốc nào cũng thấy  quảng cáo rầm rộ, cũng nói hay, khiến người dân bị loạn thông tin không biết dùng loại nào, rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn GS! 

Ông Châu Minh Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang: Giúp nhà nông tiếp cận các phương pháp mới

Hội nông dân chúng tôi vẫn đang thường xuyên tuyên truyền, đưa vào các buổi sinh hoạt tổ, Hội và bản tin nông dân để nông dân nắm được về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng, đủ, hợp lý. Qua đó, giúp nông dân không sử dụng các loại chất cấm và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Chúng tôi cũng phối hợp doanh nghiệp tổ chức các cuộc hội thảo, mời nông dân đến dự để họ tiếp cận được những phương pháp mới sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hoạt động giám sát vật tư nông nghiệp đang được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc.  

Nông dân Nguyễn Quốc Việt (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long): Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học

Để hạn chế được tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, trước tiên phải có sự kết hợp giữa chính quyền và ngành chuyên môn, để giúp nông dân tin tưởng rằng hạn chế dùng phân, thuốc nhưng hiệu quả sản xuất vẫn cao. Như trong khu vực của tôi đang thực hiện biện pháp sạ thưa và quản lý tốt nguồn nước trong sản xuất để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó là tăng sử dụng chế phẩm nấm xanh để trị rầy thay cho thuốc hóa học. Đây là biện pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được chi phí và từng bước tiến tới sản xuất lúa theo hướng bền vững.

Nông dân Lê Văn Lái (xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, An Giang): Dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều vì thiếu kiến thức

Muốn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách thì trước hết cần cho họ thấy rõ cái lợi, cái hại. Khi triển khai bất cứ một phương pháp kỹ thuật hay một chương trình gì thì cũng cần có điểm trình diễn để nông dân tận mắt thấy. Đặc biệt chú ý phải lịch trình xuống giống, sử dụng giống và kỹ thuật canh tác đồng loạt ở một khu vực, để hạn chế sâu bệnh phát triển, như vậy thì không cần dùng nhiều thuốc nữa. Hơn nữa, nông dân mình còn nghèo, kiến thức còn hạn chế, ngành chức năng nên có những cán bộ kỹ thuật theo sát, hướng dẫn tận tình cho nông dân để họ biết cách canh tác an toàn, hạn chế sử dụng phân, thuốc bừa bãi. Chúc Ly (ghi)

Việt Tùng (Dân Việt thực hiện)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: