Năm nay, vùng vải xuất khẩu của tỉnh Hải Dương được mở rộng tới hơn 110 ha. Đây là tín hiệu khả quan khi quả vải dần chinh phục được nhiều thị trường khó tính.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vì quả vải sẽ phải vượt qua rào cản khắt khe để mở rộng cánh cửa xuất khẩu.
Cơ hội lớn
Với các hộ dân ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà), câu chuyện vải thiều đi Mỹ không còn mới lạ bởi năm nay là năm thứ hai người dân nơi đây sản xuất vải theo quy trình xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Nhân, đại diện tổ hợp tác sản xuất vùng vải xuất khẩu của xã phấn khởi cho biết: "Năm ngoái, xã tôi được quy hoạch gần 10 ha vải xuất khẩu, mặc dù chỉ có 2 tấn vải đến được đất Mỹ nhưng cũng vì thế mà giá bán tăng từ 20- 30% so với mọi năm. Bà con ai nấy đều vui mừng. Năm nay, được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền các cấp, diện tích vải xuất khẩu của xã tăng lên gấp ba lần. Chúng tôi có thêm hy vọng về một vụ vải thắng lớn".
Trước kia, người dân xã Thanh Bính (Thanh Hà) phải bán trôi nổi trên thị trường hơn 250 ha vải sớm, giá cả phụ thuộc vào thương lái. Tuy giá bán cao hơn vải thiều nhưng do là vải đầu vụ, sâu bệnh tập trung nhiều, bà con phải chăm sóc vất vả nên lợi nhuận thấp. Vì vậy, nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây vải. Ông Nguyễn Văn Tích ở thôn Hạ Vĩnh nói: "Gắn bó với cây vải hơn nửa đời người, tôi thấm thía hết những nỗi lo của người trồng vải. Lo thời tiết bất lợi, lo sâu bệnh gây hại nhưng cũng không bằng nỗi lo về đầu ra sản phẩm. Chúng tôi bỏ ra nhiều công sức nhưng kết quả thu được không tương xứng. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, những trăn trở này đã được tháo gỡ. Hiện tại, thay vì phải lo lắng về giá bán, chúng tôi chỉ chú tâm chăm sóc để vải đạt chất lượng tốt nhất bởi đã có hợp đồng bao tiêu ngay đầu vụ. Không những vậy, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều nước. Gia đình tôi có gần 1 mẫu vải thì hơn 5 sào được chọn vào vùng xuất khẩu. Mở rộng thị trường tiêu thụ khiến chúng tôi có thêm niềm tin về tương lai của loại quả này”.
Mặc dù là nông sản chủ lực của tỉnh nhưng trước kia, quả vải luôn phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Đây là thị trường dễ tính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do thương lái “một mình, một chợ” nên quả vải thường xuyên bị ép giá khiến người trồng bị thua lỗ. Vì vậy, quả vải được những thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Australia… chấp thuận sẽ tạo thuận lợi hơn trong tiêu thụ. Người trồng vải sẽ được hưởng lợi bởi giá bán sản phẩm tăng. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm ngoái sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Australia... không nhiều. Tuy nhiên, đây là tiền đề để tỉnh đưa ra phương án tiêu thụ vải theo hướng mở rộng thị trường mới, tiềm năng nhưng vẫn chú trọng thị trường truyền thống. Năm nay, quy trình sản xuất vải xuất khẩu thuận lợi hơn do ở Hà Nội đã xây dựng nhà máy chiếu xạ. Vì vậy, sẽ rút ngắn được thời gian và chi phí vận chuyển. Việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ không chỉ tăng thu nhập cho người trồng vải mà còn là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Không ít khó khăn
Mặc dù đứng trước cơ hội lớn nhưng hành trình để quả vải có thể tiếp cận được những thị trường lớn, khó tính lại vô cùng gian nan vì phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe từ phía đối tác. Muốn được chấp thuận, quả vải phải được sản xuất theo quy trình khép kín, đồng bộ và an toàn. Đây chính là thách thức lớn bởi đa số người dân vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, chỉ chú trọng số lượng mà ít quan tâm tới chất lượng sản phẩm.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, điều kiện nhập khẩu nông sản ở các nước không giống nhau nên đòi hỏi người trồng phải thực hiện theo quy chuẩn dung hòa giữa yêu cầu của các nước, như vậy mới có thể xuất khẩu được ở bất kỳ thị trường nào. Do đó, điều kiện sản xuất vải xuất khẩu năm nay có phần khắt khe hơn từ khâu chọn vùng sản xuất phù hợp cho đến khi thu hoạch, bảo quản. Quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng ngặt nghèo và phức tạp hơn. Đa số các loại thuốc bảo vệ thực vật người dân hay sử dụng để phòng trừ sâu bệnh đều có chứa hoạt chất mà các nước Mỹ, EU, Australia… cấm. Vì vậy, cơ quan chuyên môn phải lên danh mục thuốc bảo vệ thực vật tuyệt đối không được phép sử dụng, thuốc có thể sử dụng và thời gian cách ly cụ thể. Sau đó tuyên truyền để các hộ nắm bắt thông tin và thực hiện theo đúng quy định.
Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, đơn vị thu mua vải xuất khẩu, năm ngoái công ty tiến hành thu mua toàn bộ sản lượng vải ở vùng xuất khẩu, chọn lọc những lô hàng bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Những lô hàng không đạt chuẩn, công ty sẽ phân phối tại các đại lý trong nước. Thực tế người dân vẫn chưa chú trọng sản xuất theo kỹ thuật. Năm nay, công ty đưa ra ràng buộc với các hộ dân, sẽ chỉ thu mua những cây bảo đảm chất lượng. Cách làm này sòng phẳng hơn nhưng cũng là điều kiện giúp người dân quan tâm hơn tới sản xuất sạch. Công ty sẽ phân loại quả vải tại gốc cây, đựng quả trong sọt tre có phủ lá vải thay vì rổ nhựa như vụ vải trước nhằm giữ quả vải tươi lâu, hạn chế dập nát khi vận chuyển. Do vậy, người dân phải nắm bắt quy trình sản xuất cụ thể, chi tiết vì chỉ cần xảy ra sai sót ở một khâu nhỏ nhất thì quả vải cũng sẽ bị loại bỏ.
Mùa thu hoạch vải năm nay đang đến gần với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Chính quyền các cấp và các sở, ngành liên quan cần giúp người dân nắm bắt cơ hội, giúp quả vải rộng đường xuất khẩu và góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
PV (Báo Hải Dương)
Không có nhận xét nào: