Con tôm từng giúp người nghèo thành tỉ phú chỉ sau vài tháng nhưng cũng chính nó khiến người giàu có trở lại phận nghèo, nợ nần chồng chất
Không biết từ lúc nào, tại một số địa phương ở ĐBSCL, nhiều người truyền nhau câu: “Ghét ai thì xúi người đó nuôi tôm công nghiệp”.
“Thê thảm lắm!”
Chưa bao giờ hỏi về tình hình nuôi tôm mà tôi nghe ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), người được mệnh danh là “vua tôm” xứ Bạc Liêu, lại buông lời tuyệt vọng như vậy.
Tôm chết liên tục, người nuôi tôm ở Cà Mau phải bỏ ao
Ông Sáu Ngoãn là người nuôi tôm có nhiều kinh nghiệm ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ông được gọi là “vua” là nhờ có thời gian dài nuôi tôm không biết thất bại. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây thì khác. Từ 50 ha nuôi tôm công nghiệp, ông giảm dần để tránh thiệt hại, đến nay chỉ còn nuôi cầm chừng vài ha. Thời ông Sáu Ngoãn làm ăn “bách phát bách trúng”, nhiều người nuôi tôm trong vùng được ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, cách chọn giống, chăm sóc sao cho hiệu quả…
Tuy nhiên gần đây, “vua tôm” cũng phải chịu thua thời tiết khắc nghiệt thì người khác điêu đứng là tất nhiên. “Nắng nóng kiểu này thì không ai cứu nổi con tôm đâu. Do giá tôm nguyên liệu tăng quá cao, khoảng 400.000 đồng/kg loại 30 con, nên nhiều người thả nuôi bị thua lỗ chồng chất” - ông Sáu Ngoãn đúc kết.
Theo ông, ngoài môi trường, thời tiết khắc nghiệt, điều người nuôi sợ hơn cả là chất lượng con giống. Hiện nay, có rất nhiều nơi cung cấp con giống, trong khi chất lượng thì không ai kiểm soát được. “Nhờ có điều kiện, tôi gửi mẫu tôm giống đi xét nghiệm ở Cần Thơ, TP HCM. Còn đa số người nuôi phó mặc cho may rủi bởi cả tỉnh Bạc Liêu không có nơi nào đủ thiết bị xét nghiệm.
Chính vì thả tôm theo kiểu đánh cược, phó thác cho nhà sản xuất giống nên người nuôi đã tự gieo mầm bệnh xuống vuông tôm của mình. Rồi dịch bệnh từ đó mà phát tán đến mức không thể kiểm soát. Ai cũng hiểu tác hại đó nhưng không có nhiều sự lựa chọn.
Thật ra, chúng ta mang tiếng là nuôi tôm công nghiệp nhưng điều kiện quá lạc hậu và thiếu cả sự quan tâm của những người liên quan” - ông Sáu Ngoãn nhìn nhận.
Khoảng 10 năm trước, anh Ngô Minh Nguyên (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) lập gia đình và được cha mẹ cho 1 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Mấy vụ đầu trúng lớn, từ tay trắng, anh bỗng thành người giàu có ở làng quê với gia sản hơn 2 tỉ đồng.
Là người biết lo xa, anh mua mấy nền đất ở TP Bạc Liêu dự định cất nhà để con ăn học. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, anh thả tôm vụ nào mất trắng vụ đó. Chẳng mấy chốc hết vốn, cầm giấy tờ đất nuôi tôm đến ngân hàng nào vay cũng bị từ chối. “Ngân hàng nào cũng nói chỉ cho vay với đất lúa, không cầm đất nuôi tôm.
Tôi nghe mà chua xót. Bí lối và mặc cảm, tôi bán dần đất nền để làm lại từ đầu. Thế nhưng, tất cả đều nướng sạch vào mấy ao tôm. Không còn gì bán, tôi đành phải vay mượn người thân để nuôi tiếp. Càng làm càng thất bại và bây giờ, tôi ôm nợ hơn 1 tỉ đồng. Vợ tôi phải làm thuê để kiếm tiền sống qua ngày và lo cho 2 đứa con đi học” - anh Nguyên chua chát.
Chất lượng con giống bị thả nổi
Với mong muốn được đổi đời, đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn Lâm (quê ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đến thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thuê đất đào ao nuôi tôm công nghiệp. Vụ đầu tiên thành công, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 300 triệu đồng.
Thấy làm giàu từ con tôm dễ dàng, ông thuê đất mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, từ vụ thứ hai, tôm nuôi được khoảng 70 ngày thì bỏ ăn. Ông tham khảo ý kiến của những người đi trước để cứu lấy 8 ao tôm nhưng tất cả vẫn thất trắng. Bao nhiêu toan tính, dự định của ông đã sụp đổ hoàn toàn.
“Sau bao năm làm ăn, tích lũy được gần 1 tỉ đồng, tôi xuống đây thuê đất nuôi tôm. Với ước muốn làm giàu từ con tôm nên tôi không ngần ngại đầu tư, một phần vì nghe người ta nói ở xứ Rạch Gốc này nuôi công nghiệp trúng dữ lắm. Tất cả vốn liếng giờ đã hết sạch. Tôi nợ gần 500 triệu đồng, chưa biết khi nào trả” - ông Lâm lo lắng.
Ao tôm của anh Lâm Hoàng Ðính (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cũng gặp tình trạng tương tự ông Lâm. Tôm nuôi khoảng 60 ngày tuổi, đang trong giai đoạn lớn nhanh nhưng anh phải thu hoạch non vì tôm chết. “Ao tôm thả nuôi mấy trăm ngàn con, giờ không được 300 kg, rồi đây không biết tiền đâu trả nợ tiền mua thức ăn cho cửa hàng” - anh Đính than thở.
Nhìn cảnh nửa đêm phải vội vã bắt tôm vì bị dịch bệnh của gia đình ông Lê Hoàng Khang (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) khiến những người có ý định nuôi tôm phải ngao ngán. “Người ta nuôi tôm trúng thấy ham nên tôi bắt chước nuôi theo. Một, hai vụ đầu còn được, sau đó thường thất bại. Sau lần này, chắc tôi khôi phục lại đất để nuôi tôm thiên nhiên, không mạo hiểm nữa” - ông Khang dứt khoát.
Theo ông Trần Văn Của - người có kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp ở xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển - nghề nuôi tôm vốn dĩ cực khổ vì phụ thuộc nhiều yếu tố. “Mỗi khi gặp thất bại, người ta thường đổ lỗi do thời tiết và nguồn nước. Ít ai nghĩ rằng thời tiết và nguồn nước thuận lợi tới đâu mà chất lượng con giống không ổn thì chắc chắn rước lấy thất bại. Muốn nuôi tôm thành công, vấn đề cốt lõi là con giống” - ông Của nói.
Thế nhưng, để chọn con giống đạt chất lượng là việc bất khả thi đối với đa số người nuôi tôm hiện nay. “Bây giờ, cơ sở sản xuất tôm giống tràn lan, đủ chiêu khuyến mãi câu khách nhưng ít ai có lương tâm để tạo ra con giống đạt chất lượng. Họ làm theo kiểu ăn xổi ở thì, quan tâm cái lợi trước mắt. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa đủ năng lực và thiết bị để kiểm tra chất lượng con giống.
Vì vậy, để tránh tình trạng người dân phải mua con giống kém chất lượng, các ngành chức năng cần buộc người sản xuất con giống có trách nhiệm với người nuôi. Phải có sự ràng buộc lợi ích giữa 2 bên, bồi thường thiệt hại nếu tôm chết là do con giống kém chất lượng” - ông Sáu Ngoãn đề xuất.
Xem xét công bố thiên tai đối với tôm
Tính đến ngày 17-5, 8 địa phương ở ĐBSCL đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường là do nắng nóng, độ mặn cao. Khảo sát thực tế tại các địa phương có tôm bị thiệt hại, độ mặn dao động từ 40‰- 60‰, cá biệt có nơi lên đến 70‰.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau hiện tượng El Nino là La Nina vào tháng 6 tới sẽ gây mưa dầm, đồng nghĩa với việc nuôi tôm tiếp tục khó khăn. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, lo lắng: “Nếu nắng nóng kéo dài đến tháng 6, dự báo diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Cà Mau sẽ lên hơn 100.000 ha”.
Phát biểu tại hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở tỉnh Bạc Liêu ngày 19-5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, khảo sát; đặc biệt chú ý đến đời sống người dân theo mô hình lúa - tôm bởi họ đã chịu thiệt hại từ cây lúa cho đến tôm khiến đời sống vô cùng khó khăn. Riêng Cà Mau, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh xem xét công bố thiên tai trên tôm để kịp thời hỗ trợ người dân.
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã có báo cáo hiện diện tích tôm nuôi thiệt hại là 52.467 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Duy Nhân (Báo NLĐ)
Không có nhận xét nào: