10 năm qua, ngành hồ tiêu thế giới liên tục phát triển, giá từ 1,6USD/kg lên 9USD/kg, đời sống người trồng hồ tiêu được cải thiện, nên sản lượng hồ tiêu thế giới từ 128.000 tấn/năm lên mức 400.000 tấn/năm. Đó là phát biểu của ông Gunaratne, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tại hội nghị toàn thể IPC lần thứ 42, tổ chức ở TPHCM những tháng cuối năm 2014. Đến nay, giá hồ tiêu vẫn ở mức cao.
Hồ tiêu được trồng mới nhiều ở khu vực Tây Nguyên
Hồ tiêu như một loại tiền tệ
Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam duy trì vị trí số một trong xuất khẩu hồ tiêu (cả đen và trắng) trên thị trường thế giới, chiếm 32% sản lượng hồ tiêu toàn cầu (dự báo sẽ chiếm 34% trong vài năm tới) và chiếm hơn 50% lượng giao dịch hồ tiêu trên thị trường quốc tế. Lợi nhuận của hồ tiêu quá cao, chưa có cây công nghiệp nào vượt qua như cà phê, cao su, nhân điều, ca cao, mía, kể cả cây công nghiệp ngắn ngày như khoai mì (sắn)… Vì vậy, diện tích hồ tiêu đã tăng gấp đôi so với quy hoạch, lên mức 100.000ha, sản lượng dù chịu ảnh hưởng thời tiết nhưng vẫn đạt 168.000 tấn, cao hơn năm 2015. Giá hồ tiêu vẫn có xu hướng vững ở mức cao, hiện ở mức 180.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 3 là tháng thu hoạch rộ của vụ hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu giảm xuống còn hơn 130.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong thời gian ngắn rồi hồi phục. Tháng 4 năm nay, dù có lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm qua, trên 20.000 tấn, nhưng giá bán vẫn đi lên. Đây là điều kỳ lạ vì thông thường, khi lượng xuất tăng thì giá phải giảm. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, có khả năng do El Nino kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến hạn hán tại các nước, có cả Việt Nam, đã tác động tới tâm lý nông dân và cả những nhà kinh doanh. Giá giảm đầu năm chỉ là hiện tượng nhất thời, không phản ánh đúng tình hình sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam. Do vậy, khi nắm bắt thông tin giá hồ tiêu tại Ấn Độ không giảm vì nhu cầu cao, nên nông dân trồng hồ tiêu trong nước không vội vàng bán hết mà chuyển qua xu hướng trữ hàng để chờ bán với giá cao hơn, trong khi đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu phải mua vào để thực hiện hợp đồng đã ký.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho rằng không ai tác động, kể cả vai trò VPA, chính nhờ sự điều tiết lượng bán ra của nông dân nên hồ tiêu không bị làm giá trong những thời điểm nhạy cảm. Dù vài năm tới sản lượng sẽ tăng mạnh do diện tích thu hoạch tăng lên, nhưng với kinh nghiệm, khả năng tích lũy và việc điều tiết như vừa qua, nên nhiều khả năng giá chưa thể có sự sụp đổ mạnh. Tuy nhiên, giá nội địa không thể cao như năm 2015, do tình hình xuất khẩu không khả quan bởi trở ngại của vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của hồ tiêu Việt Nam.
Theo VPA, từ năm 2006 đến nay, nông dân trồng hồ tiêu ngày càng cho thấy là người chủ động quyết định giá hồ tiêu, nên thị trường bớt bị lũng đoạn, cùng với doanh nghiệp góp phần điều tiết phần nào giá hồ tiêu thế giới - điều mà từ lâu những nhà nhập khẩu đầy kinh nghiệm của những tập đoàn thế giới luôn chi phối. Và mỗi năm trôi qua, người nông dân trồng hồ tiêu lại am hiểu và có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm tốt về cung cầu thị trường, nên sử dụng hồ tiêu như một loại tiền tệ, lưu trữ để đưa ra thị trường khi có giá tốt nhất.
Chuyển đổi trước khi thị hiếu tiêu dùng thay đổi
Giá hồ tiêu trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao, vượt cả dự báo về giá cả khi kéo dài quá lâu so với quy luật về giá, nhưng ai cũng lo ngại về tương lai lâu dài, vì khó có thể duy trì mãi ở mức cao. Rất cần có những nghiên cứu và phân tích mang tính chất hệ thống, như nhận định của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Điều quan ngại nhất hiện nay của hồ tiêu Việt Nam là cần khắc phục nhược điểm kéo dài về an toàn thực phẩm. “Có thể nói, đây là điểm hạn chế mà các nước sẽ lợi dụng để cạnh tranh với hồ tiêu Việt Nam”, GS-TS Bùi Chí Bửu cảnh báo.
Từ năm 2015 các nước bắt đầu siết chặt quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là châu Âu, không ít lô hàng bị trả về. Nguyên nhân do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là hoạt chất carbendazim. Hoa Kỳ đã đưa carbendazim vào danh mục chất cấm trong thực phẩm. Hiệp hội Gia vị Nhật Bản không nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam nếu có carbendazim trong mẫu kiểm nghiệm. Hiện có hơn 600 hoạt chất bị cấm hoặc bị giới hạn do các nhà nhập khẩu đưa ra, nhưng với carbendazim, rất khó kiểm soát.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, một chủ trại hồ tiêu đã lấy mẫu hồ tiêu trong kho trữ tại nhà đem phân tích ở Đức, phát hiện dư lượng carbendazim gấp 10 lần; trong khi người chủ trại này cho biết chỉ sử dụng carbendazim vào tháng 8-2015, tháng 1-2016 thu hoạch, nhưng dư lượng vẫn cao. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, hoạt chất này phân hủy khá nhanh. Nhưng điều khó hiểu hơn, tại vùng nguyên liệu hồ tiêu tập trung, được tổ chức trồng quy mô, bài bản, kiểm soát chặt vật tư đầu vào, vẫn phát hiện 2 lô bị nhiễm trong 10 lô khi xét nghiệm. VPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc làm rõ. Được biết, hoạt chất carbendazim được sử dụng rộng rãi ở nước ta như một loại thuốc diệt nấm.
Sẽ đến lúc nguồn cung bão hòa! Lúc đó, nhu cầu thị trường sẽ chuyển mạnh sang tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao, sạch, có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý hay hồ tiêu hữu cơ. Ông Đỗ Hà Nam cảnh báo, ngành hồ tiêu Việt Nam phải gấp rút chuyển đổi trước khi nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng thay đổi.
Dù sản lượng chiếm tỷ lệ ngày càng tăng, nguồn cung dồi dào, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu tại Việt Nam lại không hoạt động hết công suất, do thiếu nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm qua, một số doanh nghiệp đã phải nhập khẩu khoảng 21.000 tấn hồ tiêu chủ yếu từ Indonesia, Brazil (chất lượng đảm bảo hơn hồ tiêu Việt Nam) về chế biến và xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với những nước khó tính như Nhật Bản. Điều gây đau đầu là vẫn chưa xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà hồ tiêu Việt Nam bị lây nhiễm là từ khâu nào.
Công Phiên (Báo SGGP)
Không có nhận xét nào: