Ngày 24/5, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị Sơ kết vụ đông xuân 2015 - 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, mùa 2016 các tỉnh thành phía Bắc phục vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, vụ đông xuân năm nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất mạnh của biến đổi khí hậu và ghi nhận được những số liệu kỷ lục, khó lường.
Toàn cảnh hội nghị
Mặc dù thời gian rét đậm, rét hại không dài nhưng lại trùng vào thời vụ gieo cấy của các vùng, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ, trung du, miền núi phía Bắc khiến gần 7.000ha rau màu và lúa bị thiệt hại. Trong đó, diện tích mạ thiệt hại gần 1.800ha, phải gieo cấy lại.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là chủ động thóc giống để khôi phục sản xuất, cố gắng không để năng suất sụt giảm ở miền Bắc.
Cũng theo Thứ trưởng Doanh, nếu không có biến cố gì xảy ra, trong 20 - 25 ngày nữa, chúng ta có thể khẳng định là vụ đông xuân 2015 - 2016 được mùa trong điều kiện hết sức khó khăn.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích gieo cấy toàn miền Bắc là 1.152.000ha, giảm khoảng 11.000ha so với vụ đông xuân năm trước (chủ yếu do các tỉnh đã chủ động chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn).
Mặc dù đầu vụ gặp bất lợi, nhưng giai đoạn sau, thời tiết thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển. Xét trên bình diện chung, năng suất lúa trung bình của các tỉnh phía Bắc ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng so với vụ đông xuân năm trước khoảng 0,4 tạ/ha; sản lượng lúa toàn vùng ước đạt 7,2 triệu tấn (giảm khoảng 22.000 tấn so với vụ đông xuân năm trước).
Năng suất lúa của đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 65,7 tạ/ha (giảm 0,2 tạ/ha). Nguyên nhân một phần là do tỷ lệ giống lúa chất lượng tăng nên năng suất bình quân cũng giảm, tuy nhiên giá trị toàn vụ sẽ tăng nhờ giá bán của lúa chất lượng cao hơn.
Trên cơ sở nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Bắc Trung bộ có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước trong thời gian tháng 6, 7, khi nắng nóng xảy ra gay gắt và dung tích các hồ chứa xuống thấp. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, các địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch chống hạn, ngập úng.
Một số tỉnh dự kiến năng suất khá cao như Thái Bình ước đạt 70,5 tạ/ha, Hải Dương ước đạt 69,5 tạ/ha. Năng suất lúa bình quân của khu vực Bắc Trung bộ ước đạt khoảng 61,3 tạ/ha (tăng 1,1 tạ/ha so với vụ đông xuân), còn khu vực trung du, miền núi phía Bắc ước đạt 57 tạ/ha (tăng 0,8 tạ/ha).
Thách thức vẫn còn
Mặc dù vụ đông xuân 2015 - 2016 đang ghi nhận những tín hiệu vui, nhưng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ ngành trồng trọt ở phía trước. Theo đó, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, thời vụ gieo mạ trà xuân muộn phải lùi lại 7 - 10 ngày. Giai đoạn sau cấy trời âm u, thiếu ánh sáng, nền nhiệt độ thấp khiến nhiều diện tích lúa gieo thẳng của các tỉnh phía Bắc trỗ muộn hơn vụ xuân năm 2015 từ 7 - 10 ngày.
Thời gian sinh trưởng, phát triển của lúa kéo dài đã kéo theo hàng loạt thách thức. Trước nhất là dịch bệnh. Kiểu thời tiết nóng, xen lẫn mưa ẩm trong giai đoạn này là điều kiện thuận lợi để rầy và sâu bệnh phát triển. Bởi vậy, công tác bảo vệ thực vật phải được thực hiện quyết liệt, triệt để để không làm dịch bệnh bùng phát.
“Chúng ta đã “đánh vật” với thiên nhiên suốt mấy tháng liền để bảo vệ cây lúa, không thể lơ là vài chục ngày để xảy ra thiệt hại”, Thứ trưởng Doanh nói.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị
Mặt khác, do phải lùi thời vụ thu hoạch lúa nhiều ngày, việc chuẩn bị lúa giống cho vụ mùa sẽ gặp khó khăn, đồng thời không thể giải phóng đất sớm để triển khai vụ hè thu và vụ mùa nhằm né mưa bão, úng lụt vào cuối vụ.
Bởi vậy, Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương phải triển khai các giải pháp để sớm chủ động tìm nguồn giống chất lượng tốt cho vụ mùa (ưu tiên giống ngắn ngày và không nhiễm bệnh bạc lá); đẩy mạnh cơ giới hóa để làm đất và gieo cấy, tính toán cơ cấu giống hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Lường trước được khó khăn trên, ông Nguyễn Quốc Đạt, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, đã sớm có kế hoạch để tăng mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo đó, 43% diện tích được thu hoạch bằng máy... 90% diện tích làm đất vụ mùa sẽ được ứng dụng cơ giới hóa; gieo cấy 40% bằng máy cấy, gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng; 43% diện tích được thu hoạch bàng máy... Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát diện tích mạ dược mùa sớm và chủ động các phương án để có đủ điều kiện gieo mạ đảm bảo cơ cấu lúa mùa sớm đạt trên 50% tổng diện tích phát triển sản xuất các cây trồng vụ đông sớm.
Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, tỉnh này đã thu hoạch được trên 90% diện tích lúa. Vì thế, việc triển khai vụ hè thu không chịu quá nhiều áp lực về thời vụ. Có được thành quả đó là do Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh đưa các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao vào cơ cấu giống; xây dựng cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch. Đồng thời, chủ động chuyển đổi những vùng sản xuất lúa khó khăn, thường xuyên ngập úng và khô hạn.
Ông Lê Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thưc vật khuyến cáo, sâu bệnh có khả năng tăng cao về cuối vụ so với trung bình những năm gần đây, đặc biệt, do tác động của thời tiết đầu vụ làm cho sự phát triển của lúa chậm lại, trà lúa muộn tăng và sẽ trùng với sâu đục thân 2 chấm, rầy và sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 hại vào cuối vụ. Cần theo dõi và phòng trừ kịp thời khi mật độ sâu bệnh hại có xu hướng tăng nhanh.
Minh Phúc (nongnghiep.vn)
Không có nhận xét nào: