Trong những ngày này, hàng ngàn nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bước vào thu hoạch vụ hành tím năm 2016.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, do hầu hết diện tích hành trên đảo đều trồng giống cao sản nên bán không được giá như giống hành tím bản địa.
Theo UBND H.Lý Sơn, cùng với tỏi, hành là cây trồng truyền thống mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho hàng ngàn nông dân đất đảo. Vụ hành tím năm nay, toàn huyện trồng khoảng 130 ha, trong đó có 80% diện tích là hành cao sản mà nông dân mua giống từ Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, cho biết nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn chưa chú trọng đến việc bảo tồn, lưu giữ giống hành tím bản địa, trong khi nông dân chỉ bảo quản theo cách làm truyền thống nên giống hành tím địa phương bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất ngày càng tụt giảm, chỉ đạt 350 - 400 kg/sào. Dù vậy, nguồn giống rất khan hiếm, muốn trồng cũng không dễ kiếm nên người trồng hành buộc phải sử dụng giống hành cao sản. Năng suất hành cao sản khá cao, hơn 800 kg/sào nhưng do chất lượng không thơm ngon bằng hành tím Lý Sơn nên giá bán chỉ từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, chưa bằng phân nửa hành tím địa phương.
“Trồng hành giống cao sản năng suất cao nhưng giá thấp. Tính ra hiệu quả kinh tế thua xa trồng giống hành tím địa phương. Nông dân ai cũng biết nhưng không có giống hành địa phương mà trồng”, bà Nguyễn Thị Xanh (ở xã An Hải) trăn trở.
Trước thực trạng hành cao sản chiếm gần như toàn bộ diện tích trồng hành trên đảo Lý Sơn, nông dân trên đảo đều lo lắng giống hành tím Lý Sơn đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. “Nông dân Lý Sơn mong mỏi các cơ quan chuyên môn nhanh chóng có phương án bảo tồn, phục tráng giống hành tím bản địa, đồng thời mở các lớp tập huấn về cách thức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất giống hành địa phương. Có như vậy, mới cứu được thương hiệu hành Lý Sơn”, ông Định kiến nghị.
Hiển Cừ (Báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào: