Ngày 6/5, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.000ha diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016.
Lúa bị nhiễm rầy làm thóc bị lép, chỉ có thể dùng làm thức ăn trong chăn nuôi. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Hiện lúa trà sớm đang giai đoạn thu hoạch, trà chính vụ chín sáp và trà muộn giai đoạn trổ bông.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có gần 8.000ha diện tích lúa bị ảnh hưởng do sâu bệnh và chuột phá hại; trong đó, có trên 5.300ha lúa bị nhiễm rầy nâu, với mật độ phổ biến 1.000-1.500 con/m2, nơi cao 7.000-10.000 con/m2, diện tích lúa đã cháy chòm quy đông đặc là 21,5ha; gần 1.800ha bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ bệnh phổ biến 7-10%, nơi cao 15-20%; hơn 400ha bị bệnh đạo ôn cổ bông, với tỷ lệ bệnh phổ biến 0,5-1%.
Số diện tích lúa còn lại bị bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột, ốc bươu vàng.
Diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại tập trung nhiều nhất tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới, Quảng Trạch…
Trước tình hình trên, Chi cục bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã làm việc với các địa phương về tình hình phát sinh gây hại và thống nhất công tác chỉ đạo phòng trừ; cử cán bộ xuống cơ sở, thăm đồng để nắm tình hình và phối hợp với các địa phương điều tra, phát hiện, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ.
Tuy nhiên, một số địa phương chỉ đạo thiếu quyết liệt, kinh phí hỗ trợ còn thiếu, người dân chủ quan, triển khai chậm, thời tiết nắng, mưa thất thường nên gây khó khăn trong việc phòng, trừ rầy hại lúa.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, dự báo trong những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tạo điều kiện để rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh và gây hại trên diện rộng.
Diện tích lúa bị rầy mật độ cao có nguy cơ cháy trong thời gian tới là gần 1.600ha; trong đó, dự báo sẽ tập trung nhiều ở huyện Lệ Thủy với 550ha, Quảng Ninh là 500ha, Bố Trạch 350ha…
Ngoài ra, bệnh khô vằn và đạo ôn cổ bông cũng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ ở một số nơi. Tình hình sâu bệnh gây hại sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng lúa khi thu hoạch.
Nhằm hạn chế sâu bệnh lây lan và gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình khuyến cáo các địa phương chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng.
Nông dân cũng cần chủ động phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông hại lúa và các đối tượng sâu bệnh khác theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, không để phát sinh ra diện rộng .
Đặc biệt, để chủ động phòng, chống rầy phá hại, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy gây ra, ngày 4/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phòng trừ rầy kịp thời, có hiệu quả, kiên quyết không để rầy phát sinh thành dịch ./.
Võ Dung (TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào: