Nắng nóng, khô hạn khiến vườn cà phê của bà con Tây Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt vườn cà phê thiếu nước chết đứng giữa trời. Người trồng loại cây công nghiệp này lại thêm một mùa cà phê...“đắng”.
Cà phê chết khô vì thiếu nước
Mùa đại hạn năm nay tại Tây Nguyên được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua. Nhiều người dân ngậm ngùi chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, chịu hạn như bắp, cỏ cho bò... vì nếu để lại cũng không thể thu hoạch được gì.
Rẫy cà phê của ông Võ Lâm Ba, huyện Chư Pưh, Gia Lai từng thu hơn 250 triệu đồng vào năm 2015, nay khô héo hoàn toàn. Ông Ba đành ngậm ngùi đốn bỏ cà phê để trồng những loại cây khác, do không có nước để tưới cho cây.
Theo tính toán của người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, một gốc cà phê cần 400-700 lít nước/lần tưới, Cả mùa khô cần 4-6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ được tưới 1-2 lần. Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hơn 3.000 ha cà phê, 2.200 ha tiêu ở Tây Nguyên đã mất trắng do không có nước tưới. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn sẽ diễn ra trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 6. Cũng theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới toàn Tây Nguyên là trên 160.000 ha, đối diện với nguy cơ mất trắng nếu không có lượng nước bổ sung kịp thời. Mỗi tỉnh ở khu vực này thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.
Thiệt hại nhiều nhất là tỉnh Gia Lai. Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước tết đang khô và rụng dần. Thiệt hại ước tính trên 150 tỉ đồng. Tỉnh này đã điều hàng chục xe chống hạn do lực lượng quân đội chỉ huy đến các vùng khô hạn để tiếp nước sinh hoạt và bơm tạm cứu cà phê, tiêu. Trong khi đó, các giếng nước hiện hữu không có nước, đào sâu hun hút mà nước cũng không thèm lên khiến cuộc sống của người dân vùng rốn hạn thêm khốn đốn.
Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Tây Nguyên thị sát và chỉ đạo chi ngay 300 tỉ đồng xây một con đập ở Gia Lai, đề nghị thủy điện xả nước gấp cứu các nhà vườn cà phê cho người dân.
Nín thở chờ... mưa
Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT ở Tây Nguyên, hiện các hộ nông dân đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp. Trong đó, Gia Lai đang ở mức báo động cấp 1. Cây trồng thiếu nước rụng lá tại nhiều vùng, nguồn nước chỉ đáp ứng khoảng 60% diện tích cà phê.
Lượng nước trên sông Sêrêpok giảm 49%, các sông khác cũng giảm, nhiều nơi khoan xuống 100 m mà vẫn không có nước. Dự báo, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt hơn. Theo đó, công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước.
Dự kiến, sẽ có khoảng hơn 70.000 ha diện tích cây trồng toàn tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê. Tình hình hạn hán còn nghiêm trọng hơn ở tỉnh Đắk Nông. Toàn Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê không có nước tưới.
Để ứng phó với tình trạng hạn hán, UBND huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khai thác nguồn nước ngầm tại dốc Ea Pi, xã Ea Sin bơm cấp cho người dân trong xã. Đồng thời, UBND huyện này cũng xin chủ trương sửa chữa 3 giếng nước tại 4 buôn đang có 375 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, xây dựng các điểm cấp nước tập trung cho nhân dân trên địa bàn xã Ea Sin.
Tuy nhiên, tại một số vùng lõi, điều kiện thủy lợi không thuận lợi, để cứu những vườn cà phê cho người dân chỉ có nước... nhờ trời mưa.
Các nhà máy đường kêu cứu vì thiếu nguyên liệu
Ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn đã khiến cho hàng loạt diện tích mía tại các tỉnh phía Nam bị khô hạn, chết vì mặn. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, khả năng thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu sản xuất sẽ khiến ít nhất 5 nhà máy phải đóng cửa.
Cụ thể, tại vùng nguyên liệu mía huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, có đến trên 6.500ha mía chết trắng vì hạn, mặn. Vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL là tỉnh Hậu Giang cũng có gần 10.000ha giảm năng suất. Tại Cà Mau, người dân đốn hạ trên 3.800ha mía không thu hoạch để chuyển sang nuôi tôm.
Chủ động sống chung với hạn hán một cách thông minh (Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền)
Đây là đợt nắng hạn kéo dài nhất làm thiệt hại nặng nề nhất cho nông dân Tây Nguyên từ trước tới nay. Và mọi cố gắng cung cấp nguồn nước gần như kiệt quệ, từ đó đặt ra cho nông dân một vấn đề là đã đến lúc chúng ta làm nông nghiệp không chỉ còn trong chờ vào ưu đãi của thiên nhiên. Từ thực tế đang xảy ra phải cân nhắc và thực tế bà con mình phải sống chung với hạn hán một cách thông minh.
Bà con nông dân nên sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và phải tái tạo lại nguồn nước cho các vụ mùa kế tiếp. Có nghĩa là bên cạnh trồng cây cà phê, tiêu, phải trồng thêm các loại cây lâu năm khác để giữ ẩm cho đất, những vùng quá khô cạn nên chuyển đổi cây trồng phù hợp để đảm bảo kinh tế. Nhà nước cũng như chính quyền địa phương cần tiếp tục đầu tư thêm hồ chứa nước để giúp nông dân. Đã đến lúc nghĩ đến chuyện trồng rừng một cách cương quyết và triệt để nhằm đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ở các nước láng giềng, việc cứu hạn cho dân được chủ động thực hiện kịp thời qua điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cung ứng trước nguy cơ hạn hán. Mùa khô năm 2014-2015, Trung Quốc gom nước từ sông, suối trữ ở các hồ chứa thủy điện, bỏ hoang các vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn ở Vân Nam. Lào cũng vậy, kịp thời giúp nông dân trữ nước, đóng cửa các van, gom nước từ các con sông và bỏ hoang không canh tác vùng miền Trung và miền Nam.
Chính phủ Thái Lan phổ biến sớm quyết tâm giảm lớn diện tích trồng lúa để đối phó hạn hán. Người Thái sẵn sàng từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, trong khi chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không gieo mạ cho vụ lúa chiêm xuân trên các ruộng lúa của họ nữa. Ở trong nước, các cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời để giúp nông dân vượt qua cơn đại hạn. Về lâu dài, cần có giải pháp tương tự các nước láng giềng để tích trữ nước, tạo ra các hồ dự trữ nước để điều tiết nước trong mùa khô hạn. Về phía người nông dân, hãy cố gắng cứu mình trước khi người khác cứu. Hãy coi việc khô hạn, mặn xâm nhập như một cơ hội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với vùng đất thiếu nước trầm trọng.
Hoàng Huy (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: