» » » Đổi màu ồ ạt ở 'vương quốc thanh long'

Hiện rất nhiều nông dân ở “thủ phủ thanh long” Miền Tây - huyện Châu Thành (Long An) đang ồ ạt chuyển đổi từ thanh long ruột trắng sang trồng ruột đỏ. Không chỉ cây thanh long ruột trắng đã già cỗi, mà nhiều diện tích thanh long đang cho trái “sung sức” cũng bị đốn hạ.


Đổ xô trồng thanh long ruột đỏ

Hiện tại, ở huyện Châu Thành (vùng chuyên canh cây thanh long lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Bình Thuận) chỉ sau vài năm gần đây diện tích trồng thanh long ruột đỏ đã sắp ngang bằng với diện tích trồng thanh long ruột trắng. Theo phòng NN&PTNT huyện, cây thanh long thuần ruột trắng xuất hiện tại địa phương từ năm 1987. Đến năm 1992, cây thanh long mới bắt đầu phát triển mạnh. Nhiều người dân ở xứ “thủ phủ cây thanh long” đã đổi đời nhờ vào loại cây trồng này. Có nhiều người nhờ trồng thanh long mà từ nghèo trở nên khá, từ khá lên giàu có. Cây thanh long cũng góp phần tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.

Khoảng cuối năm 2013, khi cây thanh long ruột đỏ xuất hiện, thanh long ruột trắng bắt đầu gặp không ít khó khăn, thách thức. Điệp khúc “trồng rồi chặt” đang diễn ra tại vùng trồng thanh long lớn nhất nhì miền Tây. Diện tích thanh long ruột đỏ ở địa phương này tăng đột biến, trong khi đó diện tích trồng thanh long ruột trắng giảm đáng kể và có nguy cơ bị xóa sổ. Có rất nhiều nông dân chuyển đổi từ diện tích trồng thanh long ruột trắng sang trồng ruột đỏ bởi nguyên nhân giá thanh long ruột đỏ tăng. Điều đáng quan tâm là nhiều diện tích thanh long ruột trắng đang cho trái “sung sức” nhưng cũng bị đốn hạ để “nhường chỗ đứng” cho cây thanh long ruột đỏ.

Hộ ông Nguyễn Phúc Sáng (ấp 7, xã Vĩnh Công) có truyền thống trồng thanh long hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, mới đây vườn thanh long ruột trắng 5.000m2 của ông Sáng đã được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng thanh long ruột đỏ. Theo ông Sáng: “Hồi chưa có ruột đỏ, với 5 công thanh long ruột trắng bán vào cuối vụ, tôi cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng. Sau này có ruột đỏ nên giá ruột trắng bị tuột dốc thảm hại”. Hộ ông Nguyễn Văn Sa ở xã Vĩnh Công trồng 3.000m2 thanh long ruột trắng đang vào giai đoạn chuẩn bị cho trái, cũng bị đốn hết một nửa để trồng thanh long ruột đỏ.

Thanh long ruột đỏ đang dần thay thế thanh long ruột trắng.

 Nông dân phá bỏ thanh long ruột trắng trồng lại thanh long ruột đỏ. 

Liệu có an toàn?

Đến thời điểm hiện tại toàn huyện Châu Thành đã có hơn 6.600ha diện tích trồng thanh long với 15.000 hộ trồng. Trong đó, có hơn 3.100ha trồng thanh long ruột trắng và gần 3.500ha thanh long ruột đỏ. Sản lượng hàng năm bình quân lên đến 40.000 tấn. Giá thanh long ruột trắng hiện tại nhà vườn bán từ 18.000 -20.000 đồng/kg, ruột đỏ 40.000 - 45.000 đồng/kg. “Tuy hiện nay giá thanh long ruột đỏ cao hơn so với thanh long ruột trắng nhưng nếu xét về sản lượng thì thanh long ruột trắng cho sản lượng trái nhiều hơn gấp 2-3 lần ruột đỏ. Bên cạnh đó, trồng thanh long ruột đỏ tốn nhiều chi phí hơn so với trồng thanh long ruột trắng. Nếu xét về lợi nhuận thì hai loại cây trồng này không chênh nhau bao nhiêu” - Một chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành phân tích.

Cũng theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, hiện có trên 80% sản lượng thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường “ độc tôn” là Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ông Võ Văn Vấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Hiện tại, thanh long ruột trắng giá rất bấp bênh trong khi đó giá thanh long ruột đỏ đang ở mức rất cao nên chúng tôi không thể khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi vì rất khó, bởi đó là lợi ích kinh tế hiện tại của họ. Về lâu dài thì chúng tôi không thể dự đoán được trái thanh long ruột đỏ sẽ ra sao. Phía ngành NN&PTNT huyện chỉ định hướng thị trường còn chuyển đổi sản xuất là do nông dân tự chủ”.

Vấn đề đặt ra là nếu thị trường Trung Quốc gặp “nóng lạnh” thì trái thanh long ruột đỏ sẽ “đi đâu về đâu?!”. Trong khi đó, hiện tại Trung Quốc cũng đã trồng khoảng 25.000ha thanh long ruộtt đỏ tại đất nước này. Việc nhiều hộ dân đổ xô chặt bỏ thanh long ruột trắng để “chạy theo” thanh long ruột đỏ cần cẩn trọng và cân nhắc. Đó là những cảnh báo từ ngành chức năng địa phương.

Vấn đề đặt ra là nếu thị trường Trung Quốc gặp “nóng lạnh” thì trái thanh long ruột đỏ sẽ “đi đâu về đâu?!”.

Thanh Huyền (Báo Lao Động)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

1 comments:

  1. Thanh Long ruột đỏ có thật sự tốt hơn Thanh Long ruột trắng ???
    Do quan niệm thị hiếu người tiêu dùng thích màu đỏ hơn màu trắng nên giá của Thanh Long ruột đỏ cao hơn ở những dịp lễ tết; còn thực tế Thanh Long ruột trắng ngon hơn về vị, độ cứng, thời gian để lâu hơn...;
    Tình trạng trồng ồ ạt trồng Thanh Long ruột đỏ diễn ra ở nhiều nơi làm giá Thanh Long rớt thảm hại; Vào vụ mùa, có một số nơi do quá nhiều, giá thấp không đủ tiền chi trả công hái, hoặc không bán được nhà vườn đành phải bỏ đi hoặc vứt cho cá ăn.
    Để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế, người nông dân nên xem xét kĩ lưỡng trước khi chuyển đổi.

    Trả lờiXóa