» » Bán công nghệ chế biến điều - tại sao không?

Gần đây, cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã có công văn kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số cơ quan liên quan với nội dung yêu cầu trường Đại học Bách khoa TPHCM không chuyển giao công nghệ và máy chế biến điều cho các nước châu Phi mà cụ thể là Bờ Biển Ngà.

Việt Nam là quốc gia chế biến điều số 1 thế giới. Ảnh TL.

Có lẽ câu chuyện cũng không ồn ào nếu doanh nghiệp trong nước không quá lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu từ châu Phi để chế biến thành điều nhân xuất khẩu, một thực tế mà tất cả những người trong ngành đều hiểu rất rõ. Thế nhưng, lý do được các doanh nghiệp viện dẫn để đưa ra yêu cầu nêu trên là sợ “lộ” công nghệ máy chế biến hạt điều!

Trao đổi với TBKTSG, chuyên gia Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Tinh Anh, cho biết doanh nghiệp trong nước phản đối chuyển giao công nghệ, máy móc sang châu Phi chẳng qua là do ngành điều Việt Nam quá lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu của châu Phi, đặc biệt là của Bờ Biển Ngà. “Do vậy, doanh nghiệp yêu cầu chậm lại và họ muốn như thế thôi”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đặt vấn đề thay vì phản đối, tại sao các doanh nghiệp không nhìn nhận đây là một cơ hội để tạo ra doanh thu, giúp Việt Nam giành vị trí tiên phong trong việc chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho châu Phi trước khi các nước khác nhảy vào?

Cạnh tranh là chuyện bình thường của bất cứ lĩnh vực nào và người thắng là người có ưu thế về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, giá thành... Hay nói cách khác, ai giúp thỏa mãn nhu cầu của khách hàng tốt nhất sẽ là người chiến thắng.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), cho rằng nếu Việt Nam không chuyển giao thiết bị, công nghệ chế biến điều cho châu Phi thì rất có thể Ấn Độ sẽ nhảy vào làm bởi công nghệ của Ấn Độ đã có trước Việt Nam rất lâu. “Cho nên theo tôi, bằng mọi giá phải nắm bắt, nhưng chúng ta cũng phải làm thế nào để phát triển được thiết bị cho hoàn thiện hơn và tiếp cận được thị trường để bán được càng nhiều càng tốt, chứ không riêng gì châu Phi”, ông Tấn nói.

Cũng đồng tình với quan điểm chuyển giao công nghệ và máy chế biến điều cho châu Phi là cơ hội của Việt Nam, nhưng ông Bình lưu ý phải “đáng đồng tiền bát gạo”, tức là giá chuyển giao phải hợp lý. Ông nói: “Bán một công trình khoa học mà giá chỉ vài ba chục triệu đô la thì không đáng”.

Còn nếu trường hợp sản xuất và bán dây chuyền chế biến điều, hai bên phải có sự hợp tác liên tục trong một thời gian dài, giống như việc Nhật đầu tư nhà máy sản xuất và bán máy gặt đập liên hợp cho nông dân ĐBSCL để thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ.

Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam chuyển giao và các nước châu Phi có được công nghệ, máy móc chế biến hạt điều rồi quay lại cạnh tranh giành thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam thì sao? Ông Bình cho rằng ngoài công nghệ chế biến, sự thành công hay thất bại còn được quyết định bởi rất nhiều yếu tố khác. “Ở Việt Nam, ông làm ngành điều với tâm lý kỹ càng, nhặt nhạnh tất tần tật, đôi khi còn phải chịu thua lỗ và quản lý mang tính chất gia đình thì mới hy vọng giữ được. Thế nhưng, khi có được công nghệ mà cách làm, tập tục, kỷ luật lao động như ở châu Phi thì không chắc họ đã làm được”, ông nhận định.

Tuy nhiên, một số người cho rằng cạnh tranh là chuyện bình thường của bất cứ lĩnh vực nào và người thắng là người có ưu thế về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, giá thành... Hay nói cách khác, ai giúp thỏa mãn nhu cầu của khách hàng tốt nhất sẽ là người chiến thắng.

Trong khi đó, về nguyên liệu, theo ông Bình, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được việc sản xuất điều nguyên liệu nếu tổ chức lại sản xuất, sử dụng các giống điều mới, đặc biệt giá điều thô gần đây luôn ở mức cao là điều kiện thuận lợi kích thích nông dân khôi phục diện tích canh tác.

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: