Năm 2015 đã khép lại với việc Việt Nam tiếp tục đánh dấu mốc kỷ lục về xuất khẩu gạo khi khối lượng chính ngạch đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Song, hiện nay ngành xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng khó khăn do tính cạnh tranh cao, trong khi giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp và việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vẫn chưa hiệu quả.
Xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo Việt là việc làm quan trọng và cấp bách đối với Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đánh giá của Bộ trưởng trước thực trạng nêu trên và Bộ có giải pháp gì để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, đầu tư khuyến nông để tăng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu và nâng cao thương hiệu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Trả lời trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tình hình thương mại gạo thế giới hiện đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao giữa các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và gần đây là Pakistan, Campuchia.
Việt Nam đã tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo từ năm 1989, trong bối cảnh một quốc gia đông dân, có diện tích trồng lúa không lớn. Việc phải bảo đảm an ninh lương thực cho trên 90 triệu người đã dẫn đến phải sử dụng các giống lúa có năng suất cao, nhưng chất lượng chỉ ở mức chấp nhận được. Do vậy, trên thực tế đã hình thành bộ giống lúa rất đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm sinh thái các vùng miền.
Tuy vậy, thực trạng đa dạng giống lúa đã gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Trong nhiều năm, Việt Nam xuất khẩu gạo chủ yếu ở nhóm phẩm cấp trung bình, đang vươn lên mức cao hơn.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo nghiên cứu tuyển chọn giống lúa để sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, đạt được 600 – 800 USD/tấn trở lên; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm liên quan đến lúa gạo như: quy trình canh tác lúa tiên tiến phù hợp theo GAP, quy trình công nghệ sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo) quy mô công nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, Bộ đang tích cực chỉ đạo triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu, quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu và thương hiệu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới, Bộ đã và đang triển khai một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát và dự báo diễn biến tình hình thị trường, nắm vững các rào cản kỹ thuật và khả năng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới như Trung Quốc, Hong Kong, Châu Phi, Hàn Quốc…
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các hệ thống phân phối ở nước ngoài để phát triển các kênh phân phối cho mặt hàng này; hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu lúa gạo có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu (doanh nghiệp hạt nhân liên kết với nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu tư vào để xây dựng các vùng lúa nguyên liệu). Phấn đấu nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 tương đương với gạo Thái Lan trong cùng nhóm chất lượng.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá thương hiệu gạo Việt tới đông đảo người tiêu dùng trong nước và thế giới thông qua các hoạt động hội thảo, triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế.
Mục tiêu Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2030, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản.
Theo đề án, thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại. Nếu theo kế hoạch, đến năm 2017 chúng ta mới bắt đầu hình thành thương hiệu, nhưng trước yêu cầu thúc bách hiện nay, Bộ NN-PTNT sẽ chọn vài doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực làm thí điểm trong năm 2016, sau đó sẽ nhân rộng ra.
Viết Chung (Diễn đàn doanh nghiệp)
Không có nhận xét nào: