Các sản phẩm nông sản chưa hoặc đã qua chế biến đạt các chứng nhận sản xuất sạch rất được thị trường ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất không đủ để bán.
Người tiêu dùng rất quan tâm đến thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Trong ảnh: tham quan gian hàng giới thiệu rau sạch tại một hội chợ diễn ra tại TPHCM - Ảnh: Minh Tâm
Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “3C: lời giải cho nông nghiệp thời hội nhập” vừa diễn ra hôm nay 26-1, ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty Việt Đức, một doanh nghiệp tại Đồng Tháp chuyên sản xuất mặt hàng xoài sấy dẻo, cho biết có khách hàng ở Đức đặt hàng mỗi tháng 3 container loại 40 feet, nhưng Việt Đức phải từ chối vì không đủ năng lực.
Ông Triển cho biết, sản phẩm xoài sấy của Công ty Việt Đức được thị trường Đức ưa chuộng vì khác biệt là có nguồn nguyên liệu sạch (xoài được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP) và nhà máy sản xuất đạt các tiêu chuẩn về ISO, HACCP. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng vì vùng nguyên liệu, đầu vào chưa ổn định.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, doanh nghiệp đang triển khai dự án “Vinamit Organic”, tiết lộ rằng các thị trường nhập khẩu đang phản ứng rất tốt với các sản phẩm nông sản chế biến được trồng hữu cơ. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng rất quan tâm, nhất là khu vực Hà Nội. Trồng hữu cơ, theo định nghĩa của ông Viên, là các sản phẩm không dùng đến 80 loại hóa chất.
Cũng theo ông Viên, nền nông nghiệp Việt Nam nếu phát triển quy mô lớn thì vẫn không thể cạnh tranh nổi với các nền nông nghiệp lớn. Tuy vậy, nếu lùi về với nền nông nghiệp hữu cơ "như thời ông bà" thì lại có cơ hội rất lớn bởi giá thành sản xuất sẽ thấp hơn nhiều nước nhờ nguồn nhân công giá rẻ. Đó là chưa kể đến việc lùi về với sản xuất hữu cơ thì nhanh hơn tiến lên sản xuất lớn.
“Giá nông sản ở Việt Nam lâu nay đã vào dạng rẻ nhất. Nếu bây giờ là nông sản hữu cơ thì lợi thế lại càng lớn. Và với nông sản hữu cơ đã qua chế biến thì giá trị gia tăng lại tăng thêm ít nhất 50% so với sản phẩm bình thường”, ông Viên nhận định.
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, nhà sản xuất các sản phẩm gạo, nấm rơm có trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp, cho biết nhu cầu của thị trường với sản phẩm thực phẩm sạch hiện tại rất lớn. Đơn cử như sản phẩm nấm rơm sạch (sản xuất từ rơm của cây lúa trồng theo tiêu chuẩn VietGap và có quy trình giám sát chặt chẽ) của doanh nghiệp hiện đang được bày bán tại siêu thị với giá 160.000 đồng/kg, gấp đôi so với giá của sản phẩm truyền thống nhưng tiêu thụ tốt.
Ông Thiện cũng cho rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với đất đai trù phú, sản vật đa dạng sẽ đem đến tương lai sáng lạn cho nền nông nghiệp Việt Nam, vấn đề là phải làm mới hơn hoặc khác đi.
Minh Tâm (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: