Sau 4 năm khó khăn, các nhà máy đường có thể trông đợi các triển vọng “ngọt ngào” hơn trong năm 2016.
Công nhân bốc các bao đường từ xe kéo tay tại một chợ sỉ tại Ahmedabad, Ấn Độ. Dự kiến, Ấn Độ sẽ tung ra thị trường quốc tế 4 triệu tấn đường trong niên vụ mới. Ảnh: Reuters
Giá đường đã bật tăng 50% kể từ khi chạm mốc thấp nhất trong 7 năm qua vào tháng 8-2015. Nhờ đà phục hồi mạnh mẽ này, giá đường thô thị trường tương lai tại New York ghi nhận mức tăng 5% trong năm qua và đây cũng là năm đầu tiên đường tăng giá kể từ năm 2010. Thị trường cuối cùng đã chuyển sang tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau nhiều năm thặng dư.
Theo dự đoán của 18 nhà phân tích và nhà kinh doanh đường mà Bloomberg News khảo sát, đường sẽ duy trì động lực tăng giá xuyên suốt quý 1 năm 2016.
Giá đường thô giao cho tháng 3-2016 đã tăng 0,6% lên mức 15,24 cent/pound (xu/cân Anh) trên sàn giao dịch ICE Futures U.S. tại New York trong phiên giao dịch ngày 31-12. Theo mức dự báo trung bình của 18 nhà phân tích và nhà kinh doanh đường mà Bloomberg News khảo sát, giá đường có thể tăng lên đến mức 16,3 cent/pound vào cuối quý 1-2016. Chỉ có 3 trong số những người được khảo sát cho rằng đến thời điểm 31-3, giá đường sẽ giảm so với mức hiện nay. Những người còn lại kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng.
Hàm lượng đường sucrose (kg/tấn) trong cây mía vùng Trung- Nam Brazil đang giảm xuống các mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Sản lượng giảm vì El Niño
Trong khi nhu cầu mạnh mẽ của châu Á đang góp phần hỗ trợ giá đường, sự khôi phục của giá đường có thể chủ yếu nhờ vào một yếu tố, đó là hiện tượng El Niño. Mẫu hình thời tiết này đã làm giảm hàm lượng đường trong cây mía trồng ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, đồng thời làm giảm sản lượng mía ở Ấn Độ và Thái Lan.
Công ty Guarani, nhà sản xuất đường lớn thứ ba của Brazil dự kiến công ty sẽ ép được 19,7 triệu tấn mía trong vụ mía 2015-2016, giảm so với mức 20,2 triệu tấn trong vụ mía trước. Sản lượng mía sụt giảm chủ yếu là vì mưa lớn bất thường làm giảm hàm lượng sucrose trong mía, khiến Guarani hoãn trồng sớm vụ mía mới và để mặc 400.000 tấn mía chưa thu hoạch.
“Yếu tố cơ bản (về cung cầu) hỗ trợ giá đường duy trì ở các mức cao”, Donald Selkin, trưởng chiến lược thị trường tại Công ty dịch vụ môi giới và ngân hàng đầu tư National Securities Corp. có trụ sở ở New York, cho biết. Ông Donald Selkin đang quản lý các khoản đầu tư trị giá khoảng 3 tỉ đô la Mỹ bao gồm các loại hàng hóa. “Thị trường đã dự báo được sự thiếu hụt và nhu cầu đang tăng ở các nước đang phát triển”, ông nói.
Theo công ty tư vấn và kinh doanh đường Czarnikow Group Ltd (Anh), sản lượng đường toàn cầu sẽ giảm 4,3%, xuống còn 178,9 triệu tấn trong vụ mía 2015-2016 (bắt đầu từ tháng 10-2015 đến tháng 9-2016 ở hầu hết các nước) trong khi đó nhu cầu đường sẽ cao hơn sản lượng đến 8,2 triệu tấn. Nguyên nhân là do sản lượng đường của Brazil có nguy cơ giảm do chịu ảnh hưởng của El Niño.
Hai tổ chức nghiên cứu thị trường Platts Kingsman SA và International Sugar Organization (Anh) cho rằng tình trạng thiếu hụt đường có thể kéo dài sang vụ mía 2016-2017. Lần gần đây nhất thị trường đường trải qua hai năm thiếu hụt liên tiếp là vào năm 2010.
Theo dự báo của Công ty tư vấn và phân tích thị trường hàng hóa F.O. Licht GmbH, Đức, sản lượng đường ở Trung Quốc trong năm 2016 dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ ghi nhận sản lượng đường thấp nhất kể từ năm 1971, chỉ khoảng 13,6 triệu tấn trong vụ mùa này vì thời tiết khô hạn ở một số nước châu Âu cũng như diện tích trồng củ cải đường đang bị thu hẹp lại. “Đường có khả năng tăng giá về dài hạn. Chúng ta có thể đang trong thời kỳ thiếu hụt đường trong nhiều năm liền,” James Govan, quản lý đầu tư ở Công ty đầu tư Baring Asset Management (Anh) cho biết.
Ethanol sẽ nâng đỡ giá đường
Một điều đáng chú ý là các nhà máy ở Brazil đang sử dụng mía để sản xuất ethanol (dùng để pha chế xăng sinh học) nhiều hơn là sản xuất đường khi nhu cầu trong nước về nhiên liệu sinh học này tăng mạnh. Khoảng 58% mía ở nước này được sử dụng để sản xuất ethanol và 42% mía dùng để ép đường. Điều này có thể càng khiến nguồn cung đường bị thắt chặt hơn và hỗ trợ cho giá đường.
Hầu hết xe ô tô ở Brazil đều có thể chạy bằng xăng hoặc ethanol. Nhiều người dân Brazil đã chuyển sang sử dụng ethanol sau khi chính phủ tăng thuế xăng dầu.
Dùng mía để sản xuất ethanol là cách nhanh nhất để các nhà chế biến ở Brazil thu về lợi nhuận.“Ngay khi ethanol được vận chuyển ra khỏi nhà máy, tiền sẽ được ghi nhận trong tài khoản nhưng điều này không đúng với đường”, CEO Fabio Venturelli ở Công ty sản xuất ethanol và đường Sao Martinho SA (Brazil) cho biết. “Đối với những nhà sản xuất đang cần tiền mặt, không có gì bất ngờ nếu họ chuyển sang sản xuất ethanol”, ông nói.
Đà tăng giá đường có thể “trật bánh”
Tất nhiên, đà tăng giá của đường vẫn có thể bị “trật bánh”, không chỉ bởi vì khả năng Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, tăng sản lượng xuất khẩu lên mức 4 triệu tấn/năm mà còn khả năng Brazil cũng đẩy mạnh xuất khẩu đường nếu đồng real của Brazil tiếp tục bị mất giá.
5 năm được mùa liên tục khiến kho dự trữ đường ở Ấn Độ ngày một phình to. Các nhà máy đường đang ngồi trên núi đường, chờ tiêu thụ chậm chạp ở thị trường trong nước, nơi đường có mức giá cao hơn thị trường thế giới nhờ chính sách hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, mới đây, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty đường phải xuất khẩu ít nhất 4 triệu tấn đường trong vụ mùa mới để thu về lợi nhuận, trả nợ cho nông dân. Nguồn cung khổng lồ này có thể khiến đường tràn ngập trên thị trường quốc tế và kéo giá đường xuống. Mọi năm trước đây, Ấn Độ chỉ xuất khẩu trung bình 1 triệu tấn đường/năm.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Tom McNeill giám đốc Công ty tư vấn đường và nhiên liệu sinh học Green Pool ở Úc nhận định: “Hàng triệu tấn đường mà Ấn Độ tung ra thêm cho thị trường toàn cầu sẽ kìm hãm giá đường”.
Trong khi đó, tại Brazil, đồng real đang mất giá so với đồng đô la Mỹ. Đồng real yếu thường khuyến khích các nhà xuất khẩu tăng cường cung đường cho thị trường thế giới để đem về thu nhập cao hơn vì được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Điều này lại khiến nguồn cung thêm dồi dào và đẩy giá đường xuống.
“Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ gây áp lực tăng giá cho đồng đô la Mỹ và áp lực giảm giá đối với các tiền tệ ở các thị trường xuất khẩu hàng hóa”, theo ghi nhận của Sameer Samana, nhà chiến lược ở Viện Đầu tư Wells Fargo (Mỹ) đang quản lý các khoản đầu tư trị giá 1.700 tỉ đô la Mỹ. Ông nói thật khó để khẳng định đồng real đã thoát khỏi áp lực giảm giá.
Nếu đồng real ổn định cộng với nguồn cung bị hụt thì triển vọng tăng giá của đường trong năm tới sẽ chắc chắn hơn.
Theo Wikipedia, hiện tượng thời tiết El Niño thường gây ra mưa bão, lụt lội và hạn hán. Lý do là dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương chạy dọc theo các nước Chile, Peru... đã đẩy vào không khí một lượng hơi nước rất lớn. Hậu quả là các quốc gia ở Nam Mỹ phải hứng chịu một lượng mưa bất thường dẫn đến lụt lội. Ngược lại, hiện tượng khô hạn lại xảy ra trên các quốc gia thuộc Đông Bán cầu. Do mây tập trung vào một khu vực có mật độ quá cao, phần còn lại của thế giới phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng. Các nước thường xuyên chịu ảnh hưởng khô hạn do El Niño gây ra bao gồm Úc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...
Ngày 29-12-2015, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo hiện tượng El Niño vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và tác động của nó có thể nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, tương đương như năm 1997. Trong tháng 12 vừa qua, El Niño đã gây ra những trận lũ tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua ở Paraguay, Argentina, Uruguay và Brazil.
Chánh Tài (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: