Do tình trạng hạn hán, thiếu nước thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê, cùng với giá cà phê bấp bênh, cho nên người dân Tây Nguyên đang có xu hướng giảm diện tích canh tác; các nhà chuyên môn thì khuyến cáo chuyển đổi cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cà phê là một cây trồng truyền thống của toàn vùng, có giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Vấn đề đặt ra là, liệu có nên chuyển đổi ngay hay tìm một hướng đi phù hợp để cây cà phê có thể “sinh lợi” lớn trên vùng đất Tây Nguyên.
Thu hái cà phê xanh, chín lẫn nhau là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng cà phê nhân
Bài 2: Chọn hướng đi phù hợp
Đầu tư bài bản cho thủy lợi
Thực tế, việc thiếu nước tưới cho cây cà phê đã được cảnh báo từ rất lâu chứ không phải vài năm trở lại đây khi ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Bởi, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu nước là do một thời gian dài nguồn nước ngầm trong khu vực đã bị khai thác quá mức. Từ những năm 2000, có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những năm trở lại đây, mực nước ngầm ở Tây Nguyên mỗi năm tụt xuống từ 3 - 5m, trữ lượng nước đã giảm từ 30 - 35%. Cho đến năm 1997, do nhu cầu tưới cà phê, tầng nước ngầm ở Tây Nguyên đã giảm 20m. Cảnh báo ấy cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị khi nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, có cách nào để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững, tránh hiện tượng sa mạc hóa? Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu đặt bài toán: Nếu không có gần 600 nghìn ha cà phê thì người dân Tây Nguyên sẽ sống bằng gì? Ngành nghề nào có thể giải quyết một lực lượng lao động lớn như trong ngành cà phê? Chính vì vậy, thay vì tính đến chuyện chuyển đổi, hãy áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm trong canh tác cà phê. Trong những năm gần đây, nhờ hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn đào tạo, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng nước tưới. Kết quả điều tra cho thấy, trung bình có gần 60% số hộ sản xuất cà phê, tưới với lượng nước từ 400 - 600 lít/cây/lần tưới và đây là lượng nước tương đối hợp lý cho cây cà phê có thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Số hộ tưới lượng nước quá cao, hơn 800 lít/cây, chỉ chiếm 1,8%. Vì thế, bây giờ điều quan trọng hơn, lâu dài hơn là nhất thiết phải đầu tư bài bản cho thủy lợi.
Thời gian gần đây, chúng ta tập trung đầu tư các công trình thủy lợi cho cây lúa- một loại cây không chủ lực của vùng. Đã đến lúc phải tính đến việc đầu tư các công trình thủy lợi chuyên tưới cho cà phê như việc xây dựng các hồ đập lớn... Trước mắt, có thể xây dựng các hồ đập nhỏ để trữ khoảng 15% lượng nước mưa hằng năm là có thể giải quyết một phần không nhỏ lượng nước tưới cho cà phê. Ngoài ra, khi tích trữ, nước mưa sẽ ngấm xuống tầng nước ngầm, giúp tái tạo dần dần lượng nước ngầm đã mất. Muốn làm được điều này, Nhà nước phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thủy lợi vào vùng Tây Nguyên thông qua cơ chế khuyến khích đầu tư và chính sách đặc thù đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp.
Từng bước khẳng định chất lượng
Hiện nay, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, chế biến sâu chỉ chiếm chưa đầy 10%. Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường cà phê rang xay là điều không dễ dàng vì hiện trên toàn thế giới chỉ có sáu đến bảy nhà rang xay lớn, chi phối toàn bộ thị trường cà phê rang xay. Hơn nữa, những tên tuổi, thương hiệu cà phê chế biến sâu (rang, xay, bột, hòa tan) nổi tiếng thế giới như Nestlé (Thụy Sĩ), Kraft Foods (Mỹ), Jacobs Kaffee, Gevalia (Thụy Điển), Grand Mere và Carte Noire (Pháp)... cũng không xuất thân từ những "đại gia" trồng, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil hay Colombia..., mà chủ yếu là ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Vì vậy, Việt Nam có nhất thiết ngay lập tức phải đau đáu với giấc mơ xa tầm với là đẩy mạnh chế biến sâu hay nên từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm, dù là cà phê nhân, chế biến thô?
Trao đổi về điều này, Trưởng phòng Dự án cà phê bền vững (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk) Nguyễn Tiến Dũng nêu quan điểm: Việc hướng tới chế biến sâu trong xuất khẩu cà phê là đúng, nhưng trong điều kiện hiện tại của nước ta thì việc làm tốt cà phê nhân đã là một thành công và cải thiện tương đối đời sống người dân, lợi nhuận doanh nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể như Brazil - nước xuất khẩu cà phê số một thế giới cũng chủ yếu xuất thô, nhưng giá cà phê nhân của họ luôn cao hơn của nước ta do chất lượng tốt hơn. Hay như Indonesia, năng suất cà phê của họ thấp hơn ta rất nhiều nhưng giá xuất thô của họ cao hơn do họ có những vùng chuyên trồng cà phê theo phương pháp hữu cơ, được thị trường thế giới ưa chuộng vì bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk, huyện Cư M'gar (Đác Lắc). Ảnh: Thanh Hường
Vậy, đối với vùng Tây Nguyên, để tăng chất lượng cà phê nhân, phải bắt đầu từ đâu? Hiện, năng suất cà phê của nước ta cao gấp gần ba lần so với các nước trồng cà phê trên thế giới và chúng ta đang lấy năng suất để bù vào giá và chất lượng. Đã đến lúc phải thay đổi cách làm này theo hướng coi chất lượng là hàng đầu như Brazil, Colombia hay Indonesia đang làm để nâng cao giá bán. Bắt đầu thay đổi từ phương pháp thu hoạch cà phê của những hộ nông dân. Như hiện nay, tình trạng thu hoạch lẫn nhiều quả xanh vẫn được duy trì. Phương pháp hái chọn quả chín ít được áp dụng, chỉ chiếm 20% số nông hộ; 80% số nông hộ áp dụng chủ yếu là hái tuốt cành. Chính vì vậy, tỷ lệ quả chín của sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu kỹ thuật (hơn 90%) chỉ chiếm 3%. Đây là yếu tố chính làm giảm chất lượng, giá thành sản phẩm cà phê của Việt Nam trong những năm qua.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi phương thức thu mua, áp giá theo từng phân loại quả để nông dân có thể bù đắp chi phí cho việc hái toàn bộ quả chín. Ngoài ra, ngay trong chế biến thô, cũng có thể nâng cao chất lượng thông qua việc đẩy mạnh chế biến ướt thay vì chế biến khô vì các nhà nhập khẩu ưa chuộng và mua với giá cao sản phẩm cà phê nhân chế biến ướt. Khi khâu sản xuất và sau thu hoạch bảo đảm thì doanh nghiệp sẽ thu mua những hạt cà phê chất lượng, từ đó có thể “làm giá” với các nhà nhập khẩu.
Theo phân tích của Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 18% thị phần thế giới là một con số không hề nhỏ. Thậm chí có thể nói thị trường thế giới phần nào lệ thuộc vào chúng ta. Vấn đề là doanh nghiệp phải tăng tiềm lực tài chính để có thể trữ cà phê chờ giá và đàm phán về giá theo chiều hướng có lợi hơn là chịu sự chi phối hoàn toàn của các nhà rang xay. Điều này không dễ, vì các nhà rang xay luôn có sự liên kết mật thiết về lợi ích, sẵn sàng phối hợp với nhau, nhưng nếu khôn khéo, chúng ta vẫn hạn chế được những thua thiệt hoặc bị động về giá. Trong điều kiện chưa thể làm thương hiệu cà phê bột thì hãy bắt đầu với thương hiệu cà phê nhân, bởi các nhà nhập khẩu đang rất cần những trái cà phê chất lượng để chế biến và bán với giá cao.
Mới đây, việc cà phê Arabica - tên thường gọi là cà phê chè ở Cầu Đất (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) được hãng cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đưa vào sử dụng tại chuỗi cửa hàng của họ là một sự kiện đáng mừng. Giá bán cà phê chè Cầu Đất cũng nhờ thế mà tăng cao. Qua đó có thể thấy, có nhiều cách làm thương hiệu mà chưa nhất thiết phải trở thành nhà rang xay. Thương hiệu đến từ chính chất lượng cà phê nhân, thông qua việc các nhà rang xay cho biết xuất xứ hạt cà phê của họ được canh tác từ vùng đất nào, như cà phê Cầu Đất trong chuỗi cửa hàng Starbucks vậy! Cũng như các nhà rang xay hiện đang có xu hướng quan tâm hơn đến chỉ dẫn địa lý và cà phê có xuất xứ mang thương hiệu “Cà phê Buôn Mê Thuột”, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn này sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhân. Có thể thấy, ngành cà phê nên duy trì từng việc nhỏ, từng bước đi thích hợp, dẫu chậm nhưng vững chắc thì chắc chắn sẽ có thành công, thay vì cứ nghĩ đến chinh phục đỉnh cao quá tầm trong thời điểm hiện tại.
Việt Nam đã chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và từng bước hiện thực hóa các cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những tác động lớn đến nông nghiệp, trong đó cà phê là một trong những mặt hàng được dự báo sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt do các quốc gia có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường cà phê chế biến của nước ta. Chính vì vậy, chọn lối đi riêng, phù hợp với năng lực hiện có của mình là cần thiết để từng bước hiện thực hóa giấc mơ xây dựng cho ngành cà phê Việt Nam một thương hiệu xứng tầm.
Năng suất trung bình của cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên hiện đạt 3 tấn/ha, đặc biệt có những diện tích canh tác tốt, sử dụng giống mới đạt tới 5 tấn/ha. So với các nước trồng cà phê hàng đầu thế giới, năng suất của nước ta cao gấp hơn ba lần, trình độ kỹ thuật canh tác cà phê của nông dân Việt Nam cũng dẫn đầu thế giới. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu kỷ lục 1,7 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu gạo cùng năm là 6,3 triệu tấn nhưng chỉ đạt kim ngạch 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành cà phê nước ta là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài viết liên quan:
Bài và ảnh: Ánh Tuyết (Báo Nhân Dân)
Không có nhận xét nào: