» » » Sẽ thêm hàng rào hạn chế cá tra Việt Nam vào Mỹ?

Một hàng rào kỹ thuật mới sẽ được dựng lên đối với các loại cá thuộc bộ Siluriformesm, bao gồm cá tra và cá basa của Việt Nam, nhập khẩu vào thị trường Mỹ kể từ năm 2017, căn cứ theo Đạo luật Farm Bill 2014 của Hoa Kỳ.

Công nhân đang làm việc tại một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở một tỉnh thuộc ĐBSCL - Ảnh: TL.

Theo trang http://www.fsis.usda.gov, ngày 25-11, Ban quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ kiểm soát (FSIS) có thông cáo báo chí cuối cùng về những quy định trong việc kiểm soát những loài cá thuộc bộ Siluriformesm bao gồm cá tra của Việt Nam.

Có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị

Theo thông tin từ fsis.usda.gov nói trên, quy định này áp dụng cho cả cá nuôi trồng đánh bắt nội địa nước Mỹ và cả sản phẩm của các loại thuộc họ Silutiformes nhập khẩu. Đây là một phần trong đạo luật Farm Bill 2014.

Thời gian có hiệu lực của luật là từ tháng 3-2016, tức là sau 90 ngày công bố thông tin này rộng rãi. Tuy nhiên, mọi thứ không phải áp dụng ngay mà có 18 tháng chuyển tiếp cho sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Từ sau tháng 3-2016, những loài cá trong họ Silutiformes bao gồm cá da trơn sẽ nằm dưới quyền giám sát của FSIS.

Trước khi luật có hiệu lực, những quốc gia xuất khẩu các loài cá thuộc họ này vẫn xuất khẩu bình thường và chỉ cung cấp những thông tin có liên quan cho FSIS. Và trong 18 tháng chuyển tiếp, FSIS sẽ hỗ trợ các quốc gia có xuất khẩu những loài cá thuộc họ Siluriformes làm những thủ tục giấy tờ cần thiết. Sau thời hạn 18 tháng này, những quốc gia xuất khẩu những loài cá thuộc họ Siluriformes phải đăng ký với FSIS. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ có 24 tháng để chuẩn bị những quy định này theo đạo luật Farm Bill 2014.

Đạo luật Farm Bill 2014 được xây dựng trên đạo luật Farm Bill 2008 mà ban đầu những người làm luật đã có ý muốn đưa các loại cá da trơn (catfish) vào diện kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Thường và Cộng sự thuộc Khoa thủy sản, Đại học Cần Thơ, trong tiểu luận khảo sát thành phần các loại cá da trơn Pangasiidae ở ĐBSCL đã ghi nhận có 10 loài thuộc họ Pangasiidae, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), cá basa (Pangasius bocourti), cá bông lau (Pangasius krempfi), cá vồ đém (Pangasius larnaudii), cá dứa (Pangasius elongatus)… Tiểu luận nói rõ, họ cá Pangasiidae là một những họ cá kinh tế thuộc bộ Siluriformes trong khu hệ cá nước ngọt ở ĐBSCL và giữ vai trò quan trọng cho nghề khai thác cá nội địa và phát triển nghề nuôi cá trong những năm qua của Việt Nam.

Như vậy, với những gì mà Đạo luật Farm Bill đưa ra, cá tra xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ phải chịu sự giám sát của FSIS là điều chắc chắn.

FSIS giám sát những gì

Theo thông tin mà trang này đưa ra, những vấn đề liên quan đến các các tiêu chuẩn, hàm lượng các chất hóa học (kháng sinh, chất cấm), vi sinh vật như Salmonella, E.Coli.. sẽ được giám sát chặt sao cho những sản phẩm nhập khẩu của các loại thuộc bộ cá da trơn (Siluformes) được đảm bảo an toàn nhất cho người tiêu dùng.

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn TBKTSG Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói rằng những nhà làm luật Mỹ muốn bảo hộ ngành cá da trơn trong nước nên đã đưa vào đạo luật Farm Bill 2008, tiền thân của Farm Bill 2014, ý tưởng giám sát cá da trơn như một cách tạo nên một hàng rào kỹ thuật đối với cá tra xuất khẩu từ Việt Nam.

Đây có thể xem như một hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng được những điều kiện này nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.

Trước vấn đề này, đầu tuần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, “Chúng tôi rất thất vọng về việc Bộ Nông nghiệp Mỹ triển khai chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam".

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vẫn chưa có thông tin chính thức với báo giới. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết hiệp hội đang hoàn chỉnh thông cáo báo chí để gởi cho các phương tiện thông tin đại chúng nhằm bày tỏ lập trường về vấn đề này.

Mỹ là thị trường lớn nhất

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng đầu năm, mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm hơn 25% nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Thực tế, trong những năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng vào thị trường Mỹ luôn bị áp thuế bán phá giá đối với hai mặt hàng tôm và cá tra. Mặc dù vậy, kể từ năm 2011 đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi sức mua của Mỹ đều dao động ở mức 20-22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm của ngành thủy sản. Hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vẫn là tôm và cá tra.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: