» » » Diễn đàn Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015

Việt Nam đã tái canh được khoảng 61.000 héc ta cà phê trong tổng số 200.000 héc ta già cỗi cần phải tái canh. Thế nhưng, tại một hội thảo diễn ra vào ngày 2-12, tại TPHCM, nhiều ý kiến đặt vấn đề về sự cần thiết của việc tái canh cà phê, trên cơ sở hiệu quả, nguồn vốn...

Các đại biểu tham dự diện đàn trong phần hỏi-đáp với các đại biểu - Ảnh: NH

Tại Diễn đàn Đối thoại và Triển vọng ngành cà phê Việt Nam, một sự kiện thường niên của Ban điều phối ngành hàng Cà phê Việt Nam (VCCB), nhiều đại biểu cho rằng phải xem xét hiệu quả của việc tái canh đã thực hiện trên 61.000 héc ta cà phê già cỗi trước khi cân nhắc có nên tiếp tục chương trình này cũng như có nên đẩy nhanh tiến độ.

Câu chuyện vốn

Theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tại cả nước mới tái canh được 61.000 héc ta cà phê và trong thời gian tới, có thêm 120.000 héc ta cần phải được tái canh.

Theo Cục trồng trọt, vấn đề lớn nhất của tái canh cà phê là nguồn vốn và kỹ thuật tái canh. Hiện nay Cục trồng trọt đã ban hành kỹ thuật tái canh cà phê và cũng công bố những giống cà phê có năng suất cao, thích hợp cho tái canh; vì thế, nan giải nhất chỉ còn là nguồn vốn.

Cục trồng trọt cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang có ý định đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tìm kiếm nguồn vốn cho tái canh cà phê.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lại cho rằng không cần phải tìm nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới. Từ trước đến nay, nguồn vốn cho vay tái canh cà phê là từ Agribank.

Ông Chân cho biết, hiện nay chưa có một khảo sát về nhu cầu vốn cho tái canh cà phê nên không thể nói là nông dân cần vốn tái canh nhưng lại không có.

Theo phía Agribank, trong thời gian qua, ngân hàng đã cho vay hơn 7.000 tỉ đồng cho nông dân tái canh cà phê, trong đó, hơn 6.000 tỉ đồng cho nông dân ở Lâm Đồng vay, còn lại là ở các tỉnh khác của Tây Nguyên. Như vậy, tại Lâm Đồng người nông dân vẫn vay vốn của Agribank để tái canh cà phê, còn các tỉnh khác lại không vay nhiều chứng tỏ không phải do vấn đề nguồn vốn.

“Theo tôi, việc không tái canh được cà phê không phải là do không giải ngân được vốn mà ở khâu tổ chức quá trình tái canh cà phê”, ông Chân nói, và cho rằng cần phải tìm hiểu vì sao nông không mặn mà với tái canh cà phê.

Bên cạnh đó, sau khi tái canh phải mất 5 năm mới có thu nhập lại nên nông dân không muốn tái canh. Một lý do khác là, trước đó, người dân đã thế chấp tài sản để có vốn chăm sóc cà phê nên không thể dùng tài sản để thế chấp tái canh cà phê. Hiện tại đất trồng cà phê là đất nông nghiệp nên giá trị thấp nên rất khó để vay tiền.

Đối với số tiền vay tái canh cà phê, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức vay cho một héc ta cà phê tái canh là 150 triệu100 triệu đồng cho một héc ta cà phê ghép. Ông Chân cho rằng, mức vay này không đáp ứng được nhu cầu của nông dân, nên đây cũng là một lý do người dân ngại vay tiền. Vì thế, Agribank sẽ kiến nghị nâng số tiền vay tái canh lên 200 triệu đồng mỗi héc ta và 150 triệu đồng với cà phê ghép.

Có cần đạt mục tiêu về diện tích tái canh?

Tại hội nghị, cũng có không ít ý kiến nêu ra với Cục Trồng trọt rằng liệu việc tái canh cà phê của Việt Nam có cấp bách vào thời điểm này hay không.

Ông Quang Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực cà phê cho biết, hiện giá cà phê đang ở mức thấp, và nếu trong thời gian tới, giá cà phê xuống thấp, thu không bù chi, người dân sẽ chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác. Vì thế, Cục trồng trọt cần tính toán đến trường hợp này vì lúc đó, nổ lực tái canh cà phê sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Chân của Agribank cho biết, ở các nước trồng cà phê trên thế giới, họ thực hiện chiến lược tái canh cà phê theo hướng cuốn chiếu, tức là một năm tái canh một ít và kéo dài nhiều năm, nên nông dân vừa tái canh được cà phê vừa có thu nhập từ vườn cà phê. Điều này hoàn toàn trái ngược với Việt Nam khi chặt bỏ hàng loạt để trồng lại.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, đã có nhiều trường hợp người dân tái canh cà phê và sau đó diện tích trồng mới cứ chết dần để rồi sau bốn năm, số cây cà phê trồng lại gần như bị chết hoàn toàn, và người dân lại trở về với điểm xuất phát ban đầu. Nguyên nhân cà phê chết sau khi tái canh là do tuyến trùng. Đây cũng là lý do người dân không mặn mà với tái canh cà phê.

Vì thế, thay vì tìm cách thay đổi chính sách để hỗ trợ nông dân tái canh cà phê, có thể khuyến khích người trồng cà phê áp dụng khoa học kỹ thuật để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây cà phê hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Một số đại biểu lại cho rằng, ở gốc độ quản lý, Chính phủ cần có chính sách thông thoáng để hỗ trợ nông dân tái canh cà phê, còn nông dân có cần chính sách đó hay không cứ để tự nông dân quyết định hơn là tự đặt ra mục tiêu mỗi năm phải tái canh bao nhiêu diện tích cà phê như cách mà Cục Trồng trọt đề ra lâu nay.

Thực tế, cho thấy, dù Cục Trồng trọt đặt ra mục tiêu tái canh cà phê đến năm 2014 khoảng 100.000 héc ta nhưng con số thống kê chỉ có khoảng 61.000 héc ta, một phần do ở một số địa phương, nông dân quyết định chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng tiêu thay vì trồng lại cà phê.

Điều này cũng được ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), xác nhận, khi cho biết trong thời gian qua, đã có nhiều vườn cà phê được chuyển đổi sang trồng hồ tiêu - một loại nông sản cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần cà phê vào thời điểm này.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: