» » Chuyện dài con cá da trơn

Tuần này Thời báo Kinh tế Sài Gòn thực hiện chuyên đề về những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ phải đối diện sau khi Đạo luật Nông trại của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2016. Chuyên đề ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp trong cuộc, những chuyên gia, luật sư của ngành, kể cả người nước ngoài về cách đối phó, kể cả kiện ra WTO. Nhưng dù sao đó cũng là góc nhìn từ phía Việt Nam.


Nhiều người ắt cũng đang tự hỏi, nhìn từ phía Mỹ thì như thế nào, lập luận của họ ra sao, họ đánh giá việc thay đổi chính sách đối với con cá mà cứ giằng co suốt cả hơn chục năm qua có sòng phẳng chăng?

Có lẽ khách quan nhất là tường thuật một bài bình luận trên tờ The Washington Post, ngày 16-11-2015 với tựa đề Cá da trơn sập bẫy thương mại và lời dẫn “Mỹ thất hứa với Việt Nam và chọn con đường bảo hộ”.

Bài báo liệt kê những đòn phép mà đại diện cho quyền lợi những người nuôi cá da trơn của Mỹ đã tung ra trong hơn 10 năm qua để hạ đo ván cá nhập từ Việt Nam. Năm 2002 họ vận động Quốc hội Mỹ không cho nhà nhập khẩu dán nhãn sản phẩm là “catfish” rồi năm 2003 họ thành công trong việc đòi áp thuế chống bán phá giá lên cá da trơn. Nhưng cả hai biện pháp này không chặn được cá từ Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ: 75% cá da trơn bán ở Mỹ là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Việt Nam và một số nước khác.

Thế là năm 2008 Thượng nghị sĩ Thad Cochran thuộc bang Mississippi đề xuất một nội dung lồng vào Đạo luật Nông trại (Farm Bill) chuyển việc quản lý con cá da trơn (chỉ mình loại cá này thôi) từ Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) qua cho Bộ Nông nghiệp (USDA) với lý do là để bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhưng trước nay bộ này chỉ quản lý thịt và gia cầm chứ không đụng đến cá; The Washington Post bình luận, mục đích thật sự là nâng chi phí kiểm tra lên quá cao để các hãng nước ngoài không cạnh tranh nổi.

Nên biết FDA chỉ kiểm tra 1-2% sản phẩm nhập khẩu còn USDA kiểm tra cả 100%. Chính vì vậy, theo bài báo, Văn phòng Giải trình Chính phủ Hoa Kỳ đã chín lần phê phán chương trình trùng lắp và tốn kém này. Trước đây FDA mỗi năm tốn chừng 700.000 đô la cho việc kiểm tra còn chương trình kiểm tra của USDA tốn đến 30 triệu đô la chỉ mới để khởi động chứ chưa kiểm được con cá nào. Sau khi đi vào hoạt động mỗi năm sẽ tốn thêm 14 triệu đô la nữa.

The Washington Post nhận định Việt Nam và các đối tác thương mại châu Á khác dọa sẽ kiện vụ này ra WTO và “có khả năng họ sẽ thắng”.

Quay trở lại góc độ thời sự để có bài báo này, đó là quyết định khởi động chương trình kiểm tra 100% sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ tháng 3 năm tới kèm theo 18 tháng là giai đoạn chuyển tiếp. Bài báo cho rằng thời điểm đưa ra thông tin này là trước ngày lễ Thanksgiving của Mỹ để hy vọng không ai chú ý nhưng lại quá gần ngày tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó nội dung đưa ra rất chỏi với tinh thần của hiệp định.

Theo The Washington Post trong TPP có lời hứa hẹn của Mỹ đối với Việt Nam: việc Mỹ kiểm tra cá da trơn sẽ “không bất nhất so với nghĩa vụ của Mỹ theo thỏa thuận của WTO”. “Triển khai chương trình USDA như hiện hành rất có thể sẽ vi phạm lời hứa này do tách bạch một sản phẩm ra để đối xử kiểm soát gây khó một cách đặc biệt mà không có lý do khoa học thuyết phục”, bài báo viết.

Từ đó bài báo kết luận: Như thế dường như Mỹ đã thất hứa với Việt Nam - một đối tác chiến lược ngày càng quan trọng - và khơi mào cho một vụ kiện tại WTO. Kiện mà thua sẽ giúp bất kỳ nhà xuất khẩu cá da trơn châu Á nào quyền trả đũa với một loạt sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như thịt bò hay đậu nành.

The Washington Post khuyên: “Làm sao tránh kết cục này phải là ưu tiên hàng đầu cho bất kỳ ai ở Washington hiểu được tầm quan trọng then chốt của thương mại đối với sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Nếu Tổng thống Obama muốn làm việc thật sự với tân Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cả hai có thể bắt đầu bằng cách bác bỏ chương trình [kiểm tra] cá da trơn thiếu thận trọng của USDA”.

Cũng là góc nhìn đáng tham khảo cùng các ý kiến khác trong chuyên đề này.

Nguyễn Vạn Phú (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: