Thông tin mới đây từ cuộc họp Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 43 cho biết sẽ mở một sàn giao dịch tương lai cho hồ tiêu Việt Nam tại Tp.HCM. Sàn giao dịch kiểu mới này nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong giá cả, liệu việc xuất khẩu hồ tiêu Việt sẽ thêm vững vàng?
Nhìn lại 10 tháng đầu năm 2015 cho thấy, tình hình xuất khẩu hồ tiêu tuy đạt 117.893 tấn có dấu hiệu suy giảm về số lượng do xuất khẩu sang các thị trường chủ lực giảm hoặc chỉ tăng rất ít (giảm 18,8% so với cùng kỳ).
Cũng may là giá hạt tiêu từ năm 2014 đến nay đã tăng lên khá cao, thậm chí có lúc xác lập kỷ lục là 9,90 USD/kg đối với tiêu đen và 13,57 USD/kg đối với tiêu trắng, do cầu vẫn lớn hơn cung. Giá xuất khẩu bình quân năm 2015 duy trì ở mức cao đã giúp kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua tăng nhẹ 1,3% (thu về 1,12 tỷ USD).
Sàn giao dịch tương lai
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam, với 232,67 triệu USD trong 10 tháng, chiếm 20,73% trong tổng kim ngạch, tăng 1,14% so với cùng kỳ, tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE), Singapore, Ấn Độ, Hà Lan.
Trong bối cảnh ngành hồ tiêu đang tìm cách gia tăng sản lượng xuất khẩu trong lúc được giá thì giới kinh doanh hồ tiêu đã hồ hởi khi nghe thông tin từ cuộc họp Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 43 được tổ chức đầu tuần này tại Ấn Độ.
Ông Rajani Ranjan Rashmi, Phó Chánh thư ký Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết Ấn Độ và Việt Nam đã đồng ý về việc sẽ mở một sàn giao dịch tương lai hồ tiêu cho toàn Việt Nam tại Tp.HCM. Hai bên sẽ chính thức ký kết một biên bản ghi nhớ chung về điều này.
Trên nhật báo Deccan Herald (Ấn Độ), ông Rajani Ranjan Rashmi có nói rằng: “Sàn giao dịch mới này sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong giá cả hồ tiêu… Giá cả sẽ được ổn định hơn thông qua sự minh bạch”.
Nhân động thái trên, một phái đoàn của Việt Nam đã đến thăm các cơ quan thực hiện giao dịch tương lai ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) để nghiên cứu hoạt động giao dịch đặc biệt này.
Thực tế, “sàn giao dịch tương lai” vẫn là điều gì đó còn mới mẻ với giới kinh doanh nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng ở Việt Nam. Trong khi trên thế giới, nhiều thương nhân quốc tế đã quá quen thuộc với sàn giao dịch kiểu này, cũng như các “hợp đồng tương lai”, nhất là với một số loại hàng hóa có thể giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như cao su, cà phê, đậu tương, hạt điều, kim loại.
Còn ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp chưa đủ khả năng cũng như thiếu công cụ hỗ trợ để sử dụng dạng giao dịch hợp đồng tương lai này trong buôn bán nông sản do các sàn giao dịch hàng hóa vẫn chưa phát triển thực sự mạnh.
Giới nghiên cứu kinh tế cho biết, trong lĩnh vực tài chính, hợp đồng tương lai (futures contract) là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay (gọi là giá tương lai (futures price) hay giá xuất phát nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai (ngày giao hàng).
Các hợp đồng này được giao dịch thông qua sàn giao dịch tương lai (futures exchange). Một bên đồng ý mua tài sản cơ sở trong tương lai, hay “bên mua” trong hợp đồng, gọi là “trường vị” (long), còn một bên đồng ý bán trong tương lai, hay “bên bán” trong hợp đồng, gọi là “đoản vị” (short). Thuật ngữ trên phản ánh kỳ vọng của các bên bán và bên mua về giá cả hàng hoá.
Về mặt lý thuyết, để giảm thiểu rủi ro đối tác đối với các thương nhân, các giao dịch thực hiện trên các sàn giao dịch tương lai được điều chỉnh được đảm bảo bằng một ngân hàng thanh toán bù trừ.
Ngân hàng thanh toán bù trừ này trở thành người mua đối với mỗi người bán, và là người bán đối với mỗi người mua, vì thế trong trường hợp bội ước phía đối tác thì ngân hàng phải gánh rủi ro thua lỗ vào mình. Điều này cho phép các thương nhân giao dịch mà không cần phải thực hiện việc thẩm định về đối tác của mình.
Dù suy giảm sản lượng xuất khẩu trong 10 tháng 2015 nhưng nhờ giá cao nên ngành hồ tiêu đã thu về 1,12 tỷ USD
Nâng chất để giữ thị trường
Đánh giá chung cho thấy hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn giữ được vị thế hàng đầu trên thị trường thế giới khi chiếm thị phần lên tới 58%, xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với khả năng nắm quyền chi phối ngành hồ tiêu trên toàn cầu thì việc ra đời sàn giao dịch tương lai cho hồ tiêu tại Việt Nam là việc cần thiết trong lúc này.
Các chuyên gia nông sản có lưu ý rằng để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai thì việc ổn định về giá là hết sức quan trọng, nó sẽ hướng người nông dân phát triển diện tích hồ tiêu theo quy hoạch, hướng đến sản phẩm sạch hơn. Bản thân người trồng tiêu cũng cần được nâng tầm để tỉnh táo, không sa vào bẫy thông tin nhiễu loạn về cung cầu, giá cả.
Trong năm 2015, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt khoảng 70.000 ha. Diện tích này là vừa đủ để ngành hồ tiêu chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng. Hơn nữa, để tăng giá trị sản phẩm, sản xuất theo xu hướng bền vững, cần nâng cao thị phần xuất khẩu tiêu trắng, tiêu bột vốn có giá trị cao.
Ngoài ra, với những thị trường nhập khẩu khó tính như Hoa Kỳ, EU ngày càng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm sạch, an toàn và uy tín thương mại. Cho nên, các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng ngành hồ tiêu vào việc kiểm soát chặt chẽ vùng trồng tiêu để hướng đến quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để giữ vững thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về giá cả và thương mại, phân tích tổng hợp dự báo cung cầu, giá cả thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý nhằm tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ khi có sàn giao dịch tương lai trong thời gian tới, theo đúng phương châm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Thế Vinh (Thời báo kinh doanh)
Không có nhận xét nào: