» » » Thịt lợn sạch 'từ A đến Z'

Trong khi tại nhiều đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội hiện vẫn còn hàng nghìn lò mổ chui, với kiểu tiêu thụ thịt phổ biến “phản thịt chợ quê” thì tại tỉnh lẻ Vĩnh Phúc, một mô hình khép kín đã ra đời. 

Cửa hàng bán thịt lợn sạch của công ty Phát Đạt nhìn lịch sự như... khách sạn

Đó là phương thức đi từ chăn nuôi, giết mổ tới cửa hàng bán lẻ thịt lợn đạt tiêu chuẩn sạch đang được người tiêu dùng nhiệt liệt đón nhận. 

Cửa hàng bán thịt như khách sạn 

Nằm ngay cổng chợ TX Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), có một cửa hàng bán thịt lợn của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt (Công ty Phát Đạt, số 233 đường Trường Chinh, TX Phúc Yên) mà mới thoạt đầu bước vào đây, nhiều người sẽ ngỡ ngàng không nghĩ rằng đó là điểm bán thịt lợn. 

Với diện tích khoảng hơn 30 m2, hai lối cửa ra vào của cửa hàng lắp cửa kính sáng loáng, nhìn bên ngoài cứ tưởng cửa hàng bán thuốc tân dược. 

Bước vào trong, nền gạch men, những bức tường sạch bong, không một vết bẩn, có cả nhà vệ sinh riêng cho khách hàng. Những kệ, khay bán thịt bằng inox luôn được vệ sinh sáng bóng; những chiếc tủ lạnh, dụng cụ dao thớt, cân… cũng vậy. 

Trong cửa hàng, có bảng giá các loại thịt lợn niêm yết theo từng ngày nên không có chuyện ồn ào trả giá, quạt trần, điều hòa mở mát rượi, tịnh chẳng thấy dấu hiệu gì về mùi hôi hám của một nơi bán thịt lợn, nếu ví sạch sẽ như trong khách sạn cũng không ngoa. 

Đây là một trong 2 cửa hàng bán thịt lợn sạch của công ty Phát Đạt đã được Chi cục Quản lí Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận là điểm bán hàng đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (cửa hàng còn lại ở TP Vĩnh Yên). 

Mới hơn 9h sáng, điểm bán thịt lợn của công ty Phát Đạt tại số 130 Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên) đã hết veo hàng. 

Chị Trần Thị Loan, nhân viên bán hàng tại đây cho biết, cửa hàng có hai nhân viên phụ trách bán hàng. Công ty Phát Đạt trả lương hơn 4 triệu đồng/tháng, công việc khá nhàn nhưng yêu cầu kỷ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất nghiêm ngặt. 

Từ trang phục bảo hộ, vệ sinh trước, trong và sau khi bán hàng, bảo quản thịt… đều phải tuân theo quy chuẩn. 

Yêu cầu kỷ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty rất khắt khe 

Chỉ sau gần 2 năm đi vào hoạt động, lượng khách hàng tìm đến điểm bán thịt lợn sạch của công ty Phát Đạt đã tăng chóng mặt, từ chỗ 100 - 200 kg/ngày giai đoạn đầu, đến nay bình quân mỗi ngày, lượng tiêu thụ thịt lợn đã tăng lên trên 500 kg/ngày

Chị Trần Thị Hương (phố Chiền, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên), một khách hàng thường xuyên của cửa hàng thịt lợn sạch công ty Phát Đạt cho biết kể từ khi có cửa hàng này, đa số người dân tại đây đã gần như từ bỏ thói quen tới phản thịt ở chợ, bởi giá không rẻ hơn, nhưng điều kiện vệ sinh rất kém. 

Nhất là gần đây, báo chí thông tin rất nhiều về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên khách hàng tìm tới điểm bán hàng của công ty Phát Đạt càng đông, số lượng các phản thịt lợn tại các chợ lẻ trong thành phố vì thế cũng ngày càng ít dần. 

Nuôi lợn không bao giờ lỗ! 

Từng là giám đốc một doanh nghiệp trong ngành xây dựng, năm 2010, anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty Phát Đạt quay ngoắt nghề, trút hết vốn liếng đầu tư vào chăn nuôi lợn, với trang trại rộng hơn 1.500 m2 tại quê nhà (thôn Cao Quang, xã Cao Minh, TX Phúc Yên). 

Ngay khi bắt tay vào nghề mới, tình hình chăn nuôi bắt đầu gặp khó khăn khi dịch bệnh, giá lợn liên tục hạ, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. 

Nhận thấy giá sản phẩm chăn nuôi luôn phải phụ thuộc trôi nổi theo thương lái, nhất là các khâu phân phối qua quá nhiều tầng nấc, anh Tuấn quyết định đầu tư thêm hệ thống lò mổ để xây dựng mô hình chăn nuôi sạch, khép kín theo chuỗi từ trang trại tới tay người tiêu dùng. 

Được sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, đến nay, trang trại có quy mô thường xuyên hơn 1.300 lợn thịt của anh Tuấn đã được cấp chứng nhận sản xuất sạch, an toàn theo quy trình VietGAP. Lò mổ của anh cũng được cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh thú y.

Toàn bộ số lượng lợn xuất chuồng khoảng 3.000 con/năm được anh trực tiếp đưa về lò mổ, sau đó sản phẩm thịt được bán ngay tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty. 

Gần đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội cũng bắt đầu đặt hàng sản phẩm thịt lợn an toàn do công ty anh cung cấp. Ngoài giết mổ cho lợn của công ty, anh Tuấn còn nhận bao tiêu thường xuyên, với giá ổn định cho 4-5 trang trại vệ tinh khác trong vùng. 

Quy trình khép kín từ trang trại đến tay người tiêu dùng của công ty Phát Đạt không chỉ đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là bí quyết giúp anh Tuấn luôn chăn nuôi có lãi do tiết kiệm được chi phí sản xuất. 

Người tiêu dùng yên tâm về chất lượng thịt lợn sạch của công ty Phát Đạt 

Anh Tuấn tính toán, với giá lợn hơi xuất chuồng hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg, nếu trang trại nuôi bằng cám công nghiệp, mỗi đầu lợn xuất chuồng (từ 100 - 110 kg) sẽ có lãi khoảng 700 nghìn đồng/con

Tuy nhiên, với việc tự pha trộn được thức ăn, anh Tuấn giảm được giá thành/đầu lợn xuất chuồng khoảng 200 nghìn đồng/con. Như vậy tính tới khâu xuất chuồng, mỗi đầu lợn giúp anh có lãi khoảng 900 nghìn đồng

Không những thế, việc tự trộn thức ăn cũng giúp anh kiểm soát được chất lượng, tránh bị một số công ty thức ăn chăn nuôi trà trộn các loại kháng sinh, chất cấm vốn là vấn đề nhức nhối hiện nay. 

Trong quy trình nuôi theo VietGAP, mặc dù thời gian nuôi phải kéo dài thêm 5 ngày so với bình thường để điều chỉnh khẩu phần ăn, giúp lợn đào thải hết kháng sinh, tuy nhiên điều này cũng giúp sản phẩm thịt lợn thơm ngon, chất lượng hơn. 

Vị giám đốc công ty Phát Đạt làm thêm phép tính: Với giá thịt lợn như thời điểm hiện tại, một đầu lợn xuất chuồng từ trang trại cho tới tay người tiêu dùng thường sẽ tăng thêm giá trị khoảng 400 - 500 nghìn đồng

Ví dụ: Trang trại xuất chuồng lợn 100kg, giá lợn hơi 50 nghìn đồng/kg (tổng giá trị 5 triệu đồng/con), thì khi tới tay người tiêu dùng, nếu tính bán tất cả xương, nội tạng… sẽ có tổng giá trị khoảng 5,4 - 5,5 triệu đồng

Hiện nay, con đường thịt lợn từ trang trại tới tay người tiêu dùng thường trải qua 2 kiểu phân phối: Một là trang trại - thương lái - lò mổ - bán sỉ - bán lẻ; hoặc là trang trại - lò mổ - bán sỉ (hoặc tới thẳng bán lẻ). 

Ở hình thức thứ nhất, trải qua 4 khâu trung gian gồm thương lái - lò mổ - bán sỉ - bán lẻ mỗi khâu thường sẽ chia đều nhau lợi nhuận (khoảng 100 nghìn đồng/con). 

Nếu là hình thức thứ 2, thì lực lượng lò mổ và bán lẻ thường là hưởng lợi nhuận cao nhất (lò mổ khoảng 150 nghìn đồng/con, bán lẻ khoảng 150 nghìn đồng/con). 

Như vậy, với mô hình khép kín từ trang trại, giết mổ đến bán lẻ như công ty Phát Đạt, phần lợi nhuận tăng thêm 400 - 500 nghìn đồng/con này công ty cũng sẽ được hưởng thêm.

“Tôi đã tính toán rất kỹ, với quy trình khép kín này, nếu trừ tất cả chi phí vật tư lò mổ, lao động trong lò mổ; chi phí thuê mặt bằng cửa hàng bán lẻ, chi phí cho nhân viên bán hàng…, mỗi đầu lợn từ trang trại đến tay người tiêu dùng, tôi vẫn có lãi thêm từ 100 - 150 nghìn đồng. Như vậy với giá hiện tại, một đầu lợn xuất chuồng tới tay người tiêu dùng, tôi vẫn có lãi ròng từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng so với trang trại bình thường thời điểm này chỉ lãi 700 nghìn đồng/đầu con - anh Tuấn không ngần ngại tiết lộ. 

Nhờ cách làm khép kín này, nhiều năm gần đây, trong khi người chăn nuôi nhiều nơi trồi sụt, thậm chí thua lỗ nặng thì công ty chăn nuôi của anh Tuấn vẫn có lãi, trong khi giá thịt lợn tại hệ thống bán lẻ của anh luôn ổn định, được người tiêu dùng hưởng ứng. 

“Nhờ có thêm lợi nhuận khoảng 100 - 150 nghìn đồng/con ở mỗi khâu giết mổ và bán lẻ, khi giá lợn hơi thị trường có hạ, trang trại tôi vẫn có thể lấy nguồn này để bù đắp nên chỉ có thể nói là lãi ít hơn, chứ không khi nào lỗ” - anh Tuấn cho biết thêm..

Lê Bền (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: