Tại đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng), giá hồng hoa (còn gọi là atisô đỏ hay bụp giấm) hiện chỉ 2-3 nghìn đồng/kg đài quả mà vẫn không có người mua.
Hồng hoa tại xã Xuân Đám đang chín rộ
Nông dân phải ngậm ngùi bỏ héo hàng trăm tấn hồng hoa trên rừng.
Mấy năm trước, cứ vào mùa thu, thương lái nườm nượp kéo đến Cát Bà thu mua hồng hoa để bán sang Trung Quốc. Năm nay, hồng hoa đã chín đỏ rực khắp các đồi gò còn người trồng ngồi chờ mòn mỏi mà chẳng thấy thương lái đâu.
Chỉ có lác đác một số người mua với số lượng ít, đem ra chợ bán cho những người mua làm thực phẩm trong gia đình. Mức tiêu thụ như vậy chẳng thấm vào đâu so với sản lượng thu hoạch.
Theo bà Trần Thị Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trân Châu, năm nay cả xã trồng khoảng 50 ha hồng hoa, tổng sản lượng đạt trên 300 tấn nhưng số bán được chỉ khoảng vài tấn, bằng 1/10 sản lượng.
Cây hồng hoa “bén chân” trên đảo Cát Bà từ năm 2008 khi Trạm Khuyến ngư - nông nghiệp huyện Cát Hải phối hợp với Công ty CP Thương mại Nhà Việt trồng thử nghiệm tại xã Xuân Đám.
Kết quả cho thấy hồng hoa rất thích hợp với đất đồi gò ở Cát Bà, có thể xen canh với cây ăn quả hoặc trồng trên đất đồi trọc ven sườn núi, đất hoang hóa…
Công ty Nhà Việt cam kết thu mua và chế biến các sản phẩm từ cây hồng hoa trong nhiều năm tại đảo Cát Bà. Từ hồng hoa, họ có thể chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như rượu, mứt, nước giải khát, bánh kẹo, ô mai, trà...
Khi đó, hồng hoa được đánh giá cao trong việc giúp bà con nông dân trên đảo Cát Bà chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Không những thế, là loài dễ trồng, khả năng chịu hạn cao, cải tạo đất tốt, nên hồng hoa giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo cảnh quan đẹp, môi sinh trong lành cho đảo du lịch Cát Bà. Và Cát Bà cũng có thêm một sản vật mới để giới thiệu với du khách.
Theo các hộ trồng hồng hoa, những năm trước, so với các loại cây trồng phổ biến tại Cát Bà như lạc, sắn và một số loại cây trồng khác thì hồng hoa cho giá trị kinh tế gấp 3-5 lần. Loài cây này cũng ít bị sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc và thu hoạch.
Trong khi đó, ban đầu, đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Ngoài một số hộ được công ty Nhà Việt ký hợp đồng bao tiêu, các hộ khác đều có thương lái đến tận nhà thu mua.
Vì thế, từ 5 hộ trồng thí điểm tại xã Xuân Đám vào năm 2009, đến nay đã có hàng trăm hộ trồng hồng hoa ở hầu hết các xã, thị trấn tại Cát Hải. Doanh nghiệp chỉ có thể bao tiêu cho một số hộ đã ký hợp đồng, các hộ còn lại đều phải trông vào thương lái.
Hân Minh (nongnghiep.vn)
Không có nhận xét nào: