Trong hàng nghìn tỷ đồng doanh số phân bón thu được từ túi tiền nông dân trên cả nước ta, có tỉ lệ lớn tiền mua bán các loại phân bón giả. Thực trạng nhức nhối này ai cũng thấy, nhưng cách xử lý và giải pháp khắc phục tới nay vẫn chưa có hiệu quả.
Tình trạng phân bón thật giả diễn biến ngày càng phức tạp (Ảnh: Nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu giả được các cơ quan quản lý thu giữ tại Cần Thơ)
Tại sao các cơ quan hành pháp với đầy đủ công cụ tác nghiệp lại tỏ ra bất lực trước thực trạng phân bón giả gây tác hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp nước nhà?
Thực trạng… đáng báo động
Hiện Bộ NN - PTNT đang quản lý xấp xỉ 5.300 chủng loại phân bón đã có trong danh mục chính thức. Bộ Công thương đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp qui cho các doanh nghiệp với số lượng xấp xỉ 1.000 loại. Tuy nhiên, những loại phân bón truyền thống và nằm ngoài danh mục ước tính cũng xấp xỉ 1.000 loại nữa.
Điều đó cho thấy, thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại phân bón bao gồm: Phân hóa học; phân hữu cơ; phân hữu cơ - Khoáng; phân vi lượng; phân bón dưới rễ và phân bón lá… Với số lượng các chủng loại phân bón như vậy thì thật khó cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân. Chính vì vậy, thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả; phân bón nhái và giả mạo nhãn hiệu và thương hiệu của những loại phân khác. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS).
Các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn và những quốc gia phát triển chỉ tồn tại và sử dụng từ 20 - 30 loại phân bón, Thái Lan cũng chỉ có 100 chủng loại phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
Không hiểu vì sao Việt Nam lại sản xuất, kinh doanh và sử dụng quá nhiều chủng loại phân bón như vậy. Những năm gần đây (2012-2014), Cục trồng trọt Bộ NN - PTNT đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Ngoài ra, phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm chính xác được. Phân giả, kém chất lượng làm cho cây trồng không đạt năng suất, cây yếu ớt sẽ bị sâu bệnh hại tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm lượng kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại. Cuối cùng phần chi phí thì tăng thêm mà thu nhập thì thấp đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút. Nếu là nông sản xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam. Mặt khác, với hiện tượng rửa trôi và xói mòn do cường độ mưa sẽ kéo những chất độc từ phân bón giả ra ngoài kênh mương hoặc trực di xuống tầng nước ngầm sẽ làm ảnh hưởng tới động vật thủy sinh, tôm cá và sức khỏe con người. Tình trạng phân bón thật giả diễn biến ngày càng phức tạp khiến nông dân cả nước phải lo sợ tiền mất mà tật vẫn mang.
Mặt khác, công tác quản lý và thanh kiểm tra còn vô cùng bất cập. Cũng có rất nhiều những vụ việc thanh kiểm tra những loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng ở nhiều địa phương mà kết quả đều được xử lý “êm đẹp” bằng chút… quà mọn. Có những điều gây khó hiểu cho công chúng, như vì sao những công ty đã nhiều lần bị phát hiện sản xuất phân bón kém chất lượng, quảng cáo hoàn toàn không đúng sự thật, kết quả kiểm nghiệm hàng hóa cho thấy các chất thực có không như in trên bao bì, mà vẫn cứ tiếp tục được vận hành sau khi nộp phạt? Nhiều tỉnh thành trên cả nước từng phát hiện có phân bón dỏm, giả. Thường thì sau rất nhiều bước thanh tra, kiểm nghiệm… vụ việc được chốt lại bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Lỗi tại quản lý?
Thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại phân bón.
Nguyên nhân phải kể đến đầu tiên đó là công tác quản lý vô cùng bất cập. Hiện tại, hai Bộ cùng quản lý mặt hàng này. Bộ Công Thương quản lý những loại phân hóa học (phân bón vô cơ); Bộ NN - PTNT quản lý những loại phân bón hữu cơ và phân bón lá. Mặc dù đã có Nghị định mới của Thủ tướng Chính phủ (Nghị định 202/2013/NĐ-CP) và hàng loạt các văn bản hướng dẫn nhưng vẫn xảy ra chồng chéo. Chính vì vậy, việc cần làm trước tiên là nhanh chóng phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của 2 Bộ đang tham gia quản lý ngành hàng phân bón.
Thứ nhất, giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và các chủng loại phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cấp phép cho việc sản xuất phân bón. Bộ Công Thương không quản lý cấp phép tên, thành phần, chất lượng và hướng dẫn sử dụng phân bón nữa.
Thứ hai, giao Bộ NN - PTNT soạn thảo và chuẩn hóa 100 loại phân bón phục vụ cho các quy trình kỹ thuật bón phân cho các loại cây trồng chính. Soạn thảo quy trình hướng dẫn sử dụng hợp lý những loại phân bón trên. Như vậy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón chỉ được phép hoạt động với 100 loại phân bón đã được chuẩn hóa. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, mẫu mã bao bì; cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, kho bãi… Chỉ có làm như vậy mới hạn chế tối đa những tiêu cực trong quản lý, khuyến khích tối đa những tích cực trong cạnh tranh để sản xuất và kinh doanh phân bón.
Nếu làm được điều này chắc chắn người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng và thương hiệu bền vững cho nông sản Việt Nam.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia Nông nghiệp - Nguyên Ủy viên BCHTƯ Hội nông dân Việt Nam (Diễn đàn doanh nghiệp)
Không có nhận xét nào: