“Năng suất cây mía ở Tây Ninh là tương đối cao nhưng chữ đường lại đang chững lại và có chiều hướng đi xuống. Cần rõ ràng, minh bạch trong việc đo chữ đường”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam tại hội nghị tổng kết sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2014-15 và kế hoạch niên vụ 2015-16 do Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh tổ chức vào sáng 6.10.
Theo ông Hải, người trồng mía còn nghi ngờ các nhà máy mua chữ đường thấp, chưa đáp ứng như mong muốn thực tế. Điều này chưa được khẳng định, nhưng nên đánh tan sự nghi ngờ đó bằng cách có một đơn vị thứ 3 tham gia kiểm định chữ đường.
“Hiện Khánh Hòa là tỉnh tiên phong làm theo mô hình này. Đây là biện pháp tốt để giải quyết mối quan hệ giữa nhà máy và người trồng mía trên cơ sở lợi ích hài hòa” - ông Hải cho biết thêm.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2014 diện tích mía trên toàn tỉnh là 18.419 ha, năng suất mía bình quân đạt 75,8 tấn/ha, sản lượng trên 1.396.000 tấn.
Tính theo niên vụ 2014-15, các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm 21.588 ha. Trong đó, diện tích mía đầu tư trong tỉnh là trên 14.756 ha (giảm 4.791 ha, tức giảm 24,5%) so với niên vụ 2013-14, diện tích mía đầu tư ngoài tỉnh (chủ yếu là Campuchia) là 6.829 ha.
Theo báo cáo của các nhà máy đường, năng suất mía nguyên liệu đưa vào chế biến niên vụ 2014-15 đạt 65,4 tấn/ha, giảm 0,7 tấn/ha so với niên vụ trước. Sản lượng mía của các nhà máy đường đưa vào ép đạt 1.407.125 tấn, so với niên vụ 2013-14 giảm gần 51.000 tấn (tương đương 3,5%).
Diện tích mía cháy niên vụ 2014-15 là trên 2.300 ha, giảm trên 757 ha (tương đương 24%) so với niên vụ trước. Khối lượng mía cháy chiếm gần 10% lượng mía ép toàn vụ.
Cũng trong niên vụ 2014-15, sản lượng đường của các nhà máy đường sản xuất được gần 200.000 tấn, tăng trên 8.300 tấn so với niên vụ trước; chữ đường thanh toán bình quân toàn vụ là 9,13 CCS, thấp hơn 0,27 CCS so với chữ đường bình quân của vụ trước; tạp chất bình quân toàn vụ là 3,6% giảm 0,47% so với niên vụ trước.
Thu hoạch mía. Ảnh minh hoạ
Qua theo dõi quá trình đầu tư, chăm sóc, thu hoạch 01 ha mía lợi nhuận bình quân một chu kỳ sản xuất mía (3 vụ thu hoạch) đạt khoảng 17 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, lợi thế cạnh tranh cây mía với một số cây trồng khác trong vùng chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp nên người trồng mía chuyển sang cây trồng khác (mì). Từ đó, việc mở rộng vùng nguyên liệu mía gặp khó khăn.
Mặc dù, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ diện tích trồng mía mới nhưng diện tích mía vẫn giảm, năng suất và chất lượng mía không cao…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Mặc dù ngành mía đường còn nhiều khó khăn nhưng đối với tỉnh đây vẫn là cây trồng chủ lực.
Thời gian tới, cần thực hiện theo cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người trồng mía, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa nhà máy thu mua, chế biến và người nông dân trồng mía…
Xuân Phương (Báo Tây Ninh)
Không có nhận xét nào: