Cây cà phê được xác định là một trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nông dân.
Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) thu hái cà phê.
Hiện nay, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 11.296 ha; trong đó, diện tích cà phê cho sản phẩm là 8.026 ha, sản lượng cà phê nhân đạt trên 12.000 tấn/năm. 95% diện tích cà phê trồng tập trung tại Thành phố, Mai Sơn, Thuận Châu, còn lại ở Yên Châu, Sốp Cộp.
Hiện nay, việc trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ cà phê tại Sơn La đang đối mặt với những khó khăn, chưa áp dụng các quy trình sản xuất bền vững. Hoạt động thu mua, sơ chế và chế biến khó kiểm soát, do các hộ trồng cà phê tự mua máy xát quả tươi, sản lượng sơ chế còn thấp do hầu hết máy móc có công suất nhỏ, việc sơ chế không đúng quy trình, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê và gây ô nhiễm môi trường. Việc phơi sấy còn lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết nên chất lượng cà phê không cao, hay bị lẫn tạp với các chất bẩn khác, dễ nấm mốc và khó kiểm soát được độ ẩm dẫn đến giá bán không cao. Chưa hình thành được liên kết 4 nhà trong việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê một cách bền vững. Mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Về cây giống cà phê chủ yếu được trồng bằng hạt do người dân tự sản xuất, chất lượng giống không đảm bảo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nguồn giống cà phê được công nhận, chưa có trung tâm ươm giống. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm bón, thâm canh cà phê chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ yếu bón phân NPK (loại phân bón cho lúa), không bón phân chuồng (hoặc bón phân hữu cơ vi sinh thay thế). Thu hái chưa đúng kỹ thuật, tỷ lệ quả xanh vẫn cao, việc tạo tán, tưới ẩm chưa được quan tâm đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng cà phê.
Để sản xuất cà phê bền vững, từ cuối tháng 10-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ ISAREL cho 43 hộ, quy mô 23 ha tại 3 xã Chiềng Ban (Mai Sơn), Phỏng Lái (Thuận Châu) và Chiềng Cọ (Thành phố). Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật và quy trình vận hành tưới ẩm cho cà phê. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cà phê như: hỗ trợ chế biến cà phê theo phương pháp ướt được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án chế biến; hỗ trợ lãi suất, vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy móc, thiết bị; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với việc tiêu thu nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã nào đăng ký tham gia.
Ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cà phê CMC Sơn La cho biết: Cà phê Sơn La được đánh giá cao về chất lượng, đứng thứ 2 cả nước, sau cà phê Lâm Đồng, tuy nhiên, thị trường cà phê Sơn La lại rất khiêm tốn. Qua một số hội chợ mà doanh nghiệp tham gia thì tỷ lệ người dân biết đến thương hiệu cà phê Sơn La chỉ khoảng 3%. Còn đại diện Doanh nghiệp tư nhân cà phê Minh Tiến nhận định: hạn chế của người trồng cà phê ở Sơn La là sử dụng phân bón không đúng cách và việc quản lý chất lượng cà phê. Hiện nay, cà phê Sơn La chưa có chứng chỉ, dẫn đến việc khó xuất khẩu. Do đó, cần phải thành lập hợp tác xã, hạn chế việc chế biến nhỏ lẻ, dẫn đến giảm chất lượng cà phê...
Để cây cà phê phát triển bền vững, ngoài việc sớm xây dựng thương hiệu cho cà phê Sơn La, các ngành chức năng cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng thương hiệu tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyễn Yến (Báo Sơn La)
Không có nhận xét nào: