Câu chuyện ầm ĩ mấy tuần qua về giá của một ký thịt bò ở Pháp là một minh họa sống động về cách thức mà nông nghiệp truyền thống cần phải thay đổi để đối mặt với các thách thức toàn cầu.
Người dân Pháp biểu tình bằng cách chặn xa lộ gần Lyon. Ảnh: Reuters
Dân Pháp mấy ngày qua bàn tán xôn xao vì một tấm ảnh chụp một miếng thịt bò bán trong siêu thị ở Loches, tỉnh miền Trung nước Pháp. Miếng thịt bò dán nhãn “Nguồn gốc: Pháp”, nhưng lại có một miêu tả kỳ quặc: đẻ ở Ireland, nuôi tại Ireland, giết mổ ở Ireland và lọc thịt tại... Anh. Hàng trăm ngàn nông dân, những người nuôi bò, nuôi lợn, những người chế biến các sản phẩm từ sữa, đã đổ ra đường, dùng máy xúc, máy kéo chặn đứng các quốc lộ ở vùng Bretagne, ở Lyon, ở miền Trung nước Pháp. Họ còn tổ chức thành từng đoàn người lục lọi trong các siêu thị, quyết tìm cho ra những gói thịt bò, thịt heo... không có “nguồn gốc Pháp”, chất đống và vứt ở quầy thu ngân.
Sự tức giận của họ không phải vô lý. Tính toán của Hiệp hội Giá cả Pháp như sau: trong 1 ki lô gam thịt bò được bán ra ở Pháp, người chăn nuôi chỉ thu về được 43% giá tiền, còn lại 28% dành cho các hệ thống bán lẻ, 5% thuế giá trị gia tăng và 24% dành cho nơi giết mổ và vận chuyển. Với 1 ki lô gam thịt heo, tỷ lệ này còn thấp hơn: người chăn nuôi chỉ nhận được 31%, trong khi hệ thống bán lẻ lĩnh 40%.
Nhưng, câu chuyện không chỉ đơn giản là việc tính toán giá cả. Thịt bò, thịt heo Pháp chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm đến từ Đức, Đan Mạch, Ireland hay Tây Ban Nha. Các cải cách liên tục trong chính sách nông nghiệp chung (PAC) của châu Âu trong thập kỷ qua đã loại bỏ các rào cản kỹ thuật và mức giá trong các nước thành viên EU. Và mỗi ngày qua đi, nông dân Pháp lại thêm mệt mỏi khi phải đọ sức với các tập đoàn giết mổ gia súc quy mô lớn đến từ Đức hay Đan Mạch, nơi có thể cung cấp cho thị trường hàng ngàn con bò mỗi ngày.
Đây, thực ra lại là một câu chuyện thú vị khác về văn hóa. Trong tiếng Pháp có một từ mà người dân Pháp ở các vùng quê đặc biệt tự hào khi nói về nó: “terroir”. Đó là một từ khó dịch trọn ý, nhưng có thể hiểu là một vùng đất và những sản vật, có cả văn hóa và lối sống trong đó. Bất cứ vùng quê nước Pháp nào cũng tự hào có những “sản vật của terroir” của riêng mình. Họ bảo vệ nó như một triết lý sống. Với người chăn nuôi Pháp, một sản phẩm tinh túy, dù là miếng thịt bò, thịt lợn, miếng phô-mai hay lít sữa tươi... phải là một sản phẩm của “terroir”, được sản xuất trong những trang trại mang tính gia đình, chứ không phải trong các nhà máy hiện đại với dàn máy móc khổng lồ. Mô hình chuẩn của họ là một trang trại gia đình, với khoảng 80-100 đầu gia súc.
Chả thế mà vài năm trước, khi một công ty chế biến thực phẩm định xây một trang trại có quy mô hàng ngàn gia súc ở tỉnh Somme, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra khiến kế hoạch phải hủy bỏ.
Sự tự tôn văn hóa đó đã trở thành cái bẫy. Kiên quyết giữ quy mô sản xuất nhỏ, từ chỗ là nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) cách đây 10 năm, Pháp giờ tụt xuống hàng thứ 5, không chỉ sau Mỹ mà còn sau Đức, Brazil và cả nước láng giềng có diện tích nhỏ bé hơn cả chục lần như Hà Lan.
Ngay cả vị trí thứ 5 này giữ được đến nay cũng chỉ nhờ có những loại rượu vang danh tiếng.
Với những người nông dân Pháp, sự tụt hậu này còn ghê gớm hơn: theo số liệu của Eurostat, từ năm 2005-2014, thu nhập của nông dân Pháp chỉ tăng 6% trong khi trung bình ở châu Âu là 34% và người nông dân Đức là tận 63%.
Nông dân Pháp đang tự đẩy mình vào sự khốn đốn: trong số trên 4.500 hộ chăn nuôi gia súc, gần 2.000 hộ đang nợ nần đến giới hạn sắp mất khả năng chi trả. Và giờ họ xuống đường, đòi thịt bò phải tăng giá ít nhất 0,4 euro mỗi ký.
Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi người Pháp thể hiện tinh thần ái quốc bằng cách “ăn thịt Pháp” và mua các sản phẩm có “nguồn gốc Pháp”. Nhưng khách hàng luôn có những lý lẽ của riêng họ. Họ yêu nước Pháp nhưng cũng cảm thấy khó cưỡng lại sức hấp dẫn của một miếng thịt bò Ireland. Nó đỏ hơn, dày thịt hơn vì được nuôi lâu hơn, trong khi thịt bò Pháp non hơn, nhạt màu hơn. Và đắt hơn.
Quang Dũng (Paris - thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: