» » » » » Gỡ 'nút thắt' trong hành trình 'xuất ngoại' của quả vải Việt

Năm 2015, trong bối cảnh nhiều mặt hàng rau quả “mắc kẹt” ở khâu tiêu thụ: như dưa hấu, hành tím, thanh long… thì quả vải thiều Bắc Giang lại có sự đột phá.

Không những tiêu thụ tốt ở nội địa mà còn lần đầu tiên đặt chân được vào  những thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Malaisia… Kết thúc vụ vải 2015, kim ngạch xuất khẩu vải của Bắc Giang thu về khoảng 1.700 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD).Chất lượng quả vải được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu đánh giá cao. Nông dân Bắc Giang phấn khởi vì một năm bội thu.

Tuy nhiên, đây là năm đầu, do các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, thiếu thông tin thị trường  nên xuất khẩu chưa đạt được kỳ vọng về số lượng. Vẫn còn một số điểm cần khắc phục nếu muốn quả vải Việt “xuất ngoại” nhiều hơn.

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu vải Bắc Giang vụ mùa 2015, ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, năm 2015 là năm thời tiết thuận lợi nên mùa vải tại Bắc Giang trúng lớn. Từ tổng diện tích trên 31.000 ha, toàn tỉnh đã thu được 195.000 tấn quả tươi (tương đương với năm 2014).

Năm nay được đánh giá là năm vải thiều bán được giá cao nhất so với 05 năm trở lại đây. Giá trung bình toàn tỉnh năm 2015 đạt 15.000 đồng/kg (cao hơn năm 2014 khoảng 3.000 đồng/kg). Giá trị sản xuất vải của toàn tỉnh đạt 2.900 tỷ đồng, cao hơn mức 2.300 tỷ đồng của năm 2014.

Lần đầu đặt chân vào thị trường khó tính

Khác với những năm trước, thị trường năm nay có thay đổi. Với định hướng thúc đẩy tiêu thụ nội địa, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc năm nay có đến 55% sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ tại thị trường nội địa, số còn lại một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt năm nay, quả vải Bắc Giang đã lần đầu tiên đặt chân được vào thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Malaysia… với sản lượng 250 tấn.

Nhiều doanh nghiệp đồng hành giúp nông dân đưa vải “đi Tây” như: Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty TNHH SX TMDV Rồng Đỏ, Công ty TNHH Ánh Dương Sao... Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều cho thấy, các lô xuất khẩu đầu tiên đều thuận lợi, phía khách hàng đều đánh giá cao chất lượng, mẫu mã vải thiều Bắc Giang.

Mặc dù bước đầu thành công nhưng cuộc đặt chân của vải Việt vào thị trường khó tính còn tồn tại một số “điểm nghẽn” như: chi phí chiếu xạ, vận chuyển cao so với một số nước khác như Thái Lan, Trung Quốc nên sức cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi. Do lần đầu xuất khẩu quả vải tươi, một số  doanh nghiệp Việt vấp phải những lỗi không đáng có. 

Năm 2015 được đánh giá là năm quả vải thiều bán được giá cao nhất so với 5 năm trở lại đây

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Úc chia sẻ,sau 12 năm đàm phán, ngày 17/4/2015 Úc chính thức mở cửa thị trường cho trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam vào thị trường này.

Chưa đầy 1 tháng, hơn 32 tấn vải của Việt Nam đã có mặt tại Úc. Quả vải Việt được Úc đánh giá chất lượng cao hơn hẳn so với vải Thái Lan, Trung Quốc song có một bất lợi là Việt Nam đang sử dụng phương pháp chiếu xạ, chi phí cao hơn hai quốc gia này.

Bên cạnh đó, mặc dù năm nay ngành hàng không đã ưu tiên, giảm 20% phí vận chuyển cho vải nhưng so với Thái Lan, phí của ta vẫn đắt hơn hẳn. Để vận chuyển 1 kg vải bằng đường hàng không ở Thái Lan, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 1,6 USD trong khi con số này ở Việt Nam là 2,6 USD. Điều này khiến sức cạnh tranh của quả vải Việt Nam kém hấp dẫn.

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngoài ra, bà Thúy còn chỉ ra một số lỗi không đáng có như vấn đề cẩu thả mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục như việc thiếu một con dấu cấp phép của Cục bảo vệ thực vật nên vải sang đến Úc rồi lại phải chờ thêm 1 ngày lưu kho, bãi để chờ thủ tục chuyển sang. Hay như việc Úc quy định, vải phải được cắt sát không còn chút cuống, lẫn quả non vậy mà vẫn có lô hàng doanh nghiệp để quả còn cuống.

Vì vậy, sang đó rồi lại phải thuê công nhân bốc dỡ toàn bộ 12 tấn hàng ra để cắt cuống lại mà nhân công ở Úc giá rất cao. Chi phí bị đội lên một cách ngớ ngẩn. Chưa kể việc để chậm 1,2 ngày như vậy, trái vải vốn khó bảo quản nay chất lượng kém sẽ bị bán với giá rẻ hơn.

Cũng phản ánh về vướng mắc trong xuất khẩu, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1 (Cục bảo vệ thực vật) cho biết, tôi là người trực tiếp kiểm tra, cấp mã số 7 vùng trồng cho vải Lục Ngạn xuất khẩu nhưng có một thực tế là qua kiểm tra vùng vải Lục Ngạn đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nhưng dường như mỗi khi chương trình đi qua, lôi cả VietGAP theo luôn, còn rất ít vùng duy trì được.

Dân của ta có những lúc làm chưa thực sự chuẩn nhưng vẫn nói với doanh nghiệp là sản xuất rất chuẩn gây khổ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề ở đây, cần tuyên truyền sao cho người dân làm một cách nghiêm túc.

Chúng tôi từng nói với nông dân: Đây là vườn của các bác chúng tôi không yêu cầu đầu tư gì chỉ yêu cầu dùng đúng thuốc bảo vệ thực vật được cho phép, ghi chép đầy đủ mọi tác động vào vùng vải đó vì chuyên gia Mỹ khi xem xét vùng trồng rất hay kiểm tra quyển sổ này.

Rất may cho đến nay chưa có bất kỳ thông báo phạm luật nào của Mỹ vì họ tin tưởng  và hệ thống kiểm dịch của ta từ khi làm trái thanh long sang thị trường này. Vì vậy chỉ cần cơ quan kiểm dịch của Việt Nam đề xuất là họ sẽ đồng ý cấp mã vùng.

Tầm quan trọng về yêu cầu của thị trường với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng được bà Thúy nhắc đến khi lưu ý, doanh nghiệp nên cho kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch vì bên Úc kiểm tra rất găt gao vấn đề này. Nếu còn cuống lá, sang đến Úc vẫn còn xử lý được nhưng nếu bị phát hiện thuốc trừ sâu sẽ bị tiêu hủy 100% lô hàng đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu quả vải Việt Nam sang những thị trường khó tính bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trên, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của thị trường, cần thực hiện tốt việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vải Việt Nam ra thị trường thế giới. Sẽ không có gì tốt bằng việc mời chính các nhà báo nước ngoài đến tìm hiểu và viết về quả vải Việt Nam.

“Tới đây chúng tôi sẽ xây dựng cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu đi Úc. Đồng thời mời phóng viên kênh truyền hình, phóng viên chuyên viết về ẩm thực của Úc đưa về Bắc Giang vào vụ mùa để họ làm phóng sự đưa lên báo, truyền hình Úc. Điều này có giá trị hơn rất nhiều việc thương vụ của Việt Nam tại Úc quảng bá sản phẩm của mình”- bà Thúy nói. 

Thu Hường (Thời báo kinh doanh)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: