Sau một tuần, hai thị trường cà phê đều có giá tăng. Nhưng mỗi sàn có lý do riêng. Đang có lo ngại rằng giá kỳ hạn robusta sẽ yếu như sàn arabica trước đây.
Giá cà phê tăng, liệu có lâu dài?
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)
Thị trường cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên có một tuần khá chộn rộn dù giá chưa lên đến mức kỳ vọng của các doanh nghiệp còn trữ hàng. Sáng nay 15-8, giá chào bán cà phê nguyên liệu tại huyên Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng quanh mức 37,2 triệu đồng/tấn, cao hơn 1,2 triệu đồng/tấn so với cách nay một tuần.
Đầu tuần, giá có lúc đã lên mức 37,7 triệu đồng/tấn nhưng vội sụp xuống ngay sau khi có tin Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) và Việt Nam tăng biên độ tỷ giá giao dịch giữa tiền đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) lên 2%, làm giá 1 USD lên trên 22.000 VND.
“Giá tăng rồi giảm khá chóng vánh và thất thường, chưa kịp chuẩn bị tâm lý thì giá tăng mạnh rồi lại giảm ngay. Thị trường kiểu như thế ít ai dám mua bán,” một chuyên gia ngành hàng nhận định.
Thật vậy, trên sàn kỳ hạn London, giá cà phê robusta từ mức 1.681 đô la/tấn cuối tuần trước đã nhảy nhanh quá mức 1.710 rồi lên nằm tại đỉnh 1.740 đô la/tấn. Nhưng giá bị “cắt ngọn” ngay ngày hôm sau để quay về 1.715 đô la/tấn để bình lại vào cuối tuần. Chốt phiên ngày 14-8, giá kỳ hạn robusta đạt mức 1.726 đô la/tấn, tăng 45 đô la/tấn sau một tuần và cao hơn rất nhiều so với 1.648 đô la/tấn lập ngày 2-8-2015 (xin xem biểu đồ trên).
So với sàn kỳ hạn arabica, mức tăng robusta như vậy là chưa thỏa đáng vì giá arabica tại New York nay đóng cửa đạt mức 141,15 xu/cân Anh (cts/lb), tăng 10,30 cts/lb hay tương đương với tăng 227 đô la Mỹ/tấn sau một tuần.
Vì sao giá cà phê tăng?
Nhiều người trên thị trường tin rằng giá hai sàn kỳ hạn tăng trong tuần vừa qua là do hiệu ứng từ dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2015-16 của một công ty tư vấn nông nghiệp của nước này tung ra trước đây. Thông qua nhiều cuộc điện thoại liên hệ với nông dân tại Brazil để thực hiện khảo sát, họ bảo rằng nông dân báo mất mùa lớn, rồi quy nạp con số tổng sản lượng cà phê Brazil niên vụ mới với kết luận chỉ chừng 40 triệu bao (60 kg x bao) hay có thể thấp hơn, trong đó sản lượng robusta mất nặng, chỉ nhỉnh hơn 10 triệu bao so với trước từ 14-16 triệu bao.
Giá hai sàn kỳ hạn thường khi đi sánh đôi, tăng cùng tăng giảm cùng giảm. Nhưng tuần qua, “giá kỳ hạn arabica tăng gấp 5 lần cao hơn giá robusta dù nói rằng sản lượng robusta giảm mạnh là sao?” chị Thanh, một nông dân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thắc mắc.
Vị chuyên gia ngành hàng cho rằng tin sản lượng Brazil giảm đưa ra như là một cái cớ để cho các quỹ đầu tư thanh lý các hợp đồng bán khống trước đây. Trên sàn kỳ hạn arabica đến cuối tháng 7-2015, các quỹ đầu tư còn nắm trên 29.000 hợp đồng bán ròng, tương đương với trên nửa triệu tấn cà phê thì nay họ đã mua để tất toán vị thế và nay ước đã thanh lý hết một nửa số ấy. Mua cấp tập giúp giá sàn arabica tăng mạnh.
Trong khi đó, giá kỳ hạn robusta không theo kịp so với arabica vì yếu tố tiền tệ nhiều hơn. Thái độ e dè không tăng trên sàn kỳ hạn robusta London có thể do ảnh hưởng tin tiền đồng Việt Nam giảm giá theo sau đợt phá giá NDT của Trung Quốc, một nước nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu lớn nhất thế giới.
Chỉ mấy ngày đầu tuần, đồng NDT mất gần 5% giá trị, thị trường tin Trung Quốc còn gieo nhiều kinh hoàng trên thị trường tài chính toàn cầu với những cú phá giá đồng NDT bất ngờ. Hệ lụy của hiện tượng này là các nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu phải thả lỏng đồng bản tệ của mình để giữ thị trường xuất khẩu.
Khơi thông được xuất khẩu nhờ tiền mất giá
Nhiều nhà kinh tế thế giới dự đoán mức độ phá giá của NDT không dừng tại mức này mà có thể lên đến 10%. Sự thật thế nào chưa ai biết, nhưng các nhà kinh doanh đang hóng giá cà phê nội địa tại Việt Nam sẽ đạt các mức kỳ vọng cao hơn do giá trị tiền đồng nay mai rẻ hơn so với đồng đô la Mỹ.
Thường với hiện tượng này, các hãng kinh doanh hay bán đón trên sàn kỳ hạn (pre-hedging) để mong kiếm lời khi giá cà phê nội địa chạm các mức kỳ vọng, tạo nên sức ép bán ra, giá trên sàn kỳ hạn giao dịch bằng đồng đô la giảm nhưng giá nội địa trả bằng VND vẫn cao.
Vị chuyên gia cho biết sở dĩ giá kỳ hạn arabica New York - nơi giao dịch nhiều hàng arabica Brazil - tăng mạnh hơn nhiều so với robusta London - chỗ tham chiếu giá của hàng cà phê Việt Nam nhiều - vì đồng bản tệ real Brazil (BRL) trong 12 tháng qua đã phá giá đến 40%. Trong những ngày này, 1 USD đang ăn quanh mức 3,5 BRL. Giá trên sàn arabica đã được cấy yếu tố đồng BRL mất giá. Cũng chính vì thế mà thị trường hứng chịu nhiều đợt bán mạnh, tạo áp lực giá giảm trên thị trường cà phê arabica trong thời gian qua.
Với kinh nghiệm trên sàn arabica và đồng BRL giảm giá, nếu chỉ nhìn từ phía sàn kỳ hạn, áp lực giảm do yếu tố tiền tệ từ nước xuất khẩu chủ yếu là Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Do có công cụ tài chính để kinh doanh hàng hóa, các hãng kinh doanh đa quốc gia đã bán đón trên sàn. Họ sẽ kiếm lời từ hành động bán trước mua sau tính bằng đô la Mỹ và mua được hàng nhờ giá nội địa cao nhưng lại rẻ nhờ qui đổi ra đô la Mỹ.
Nhìn từ phía này, kim ngạch xuất khẩu cà phê và hàng hóa nguyên liệu khác của cả nước có thể sẽ giảm vì yếu tố tiền tệ. Nhưng vẫn còn hơn… khi hàng nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, nông dân và doanh nghiệp ngồi ôm và chịu... trận vì yếu tố tiền tệ.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: