Đầu tháng 7, lúc thời tiết đang ở vào những ngày nóng nhất trong năm thì các vườn vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đi vào cuối vụ. Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung việc tiêu thụ vải thiều năm nay cơ bản thuận lợi.
Đóng gói vải thiều trước khi xuất khẩu.
Xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu
Tháng 10-2014, Mỹ chính thức đồng ý cho quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường nước này. Đến tháng 4-2015, Australia cũng cho phép nhập quả vải tươi từ Việt Nam, những thông tin này đã mở ra cơ hội mới cho người trồng vải. Để bảo đảm vùng nguyên liệu xuất khẩu sang hai thị trường "khó tính" trên, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan và người trồng vải ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) xây dựng vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
Sau khi kiểm tra, phía Mỹ đã cấp 6 mã vùng nguyên liệu cho 109 hộ dân với diện tích 60,38 ha tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt và Phương Sơn (xã Hồng Giang). Trao đổi với ông Giáp Văn Vang, Trưởng thôn Kép 1 được biết, để xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn cho người dân địa phương quy trình sản xuất mới. Theo đó, các hộ sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có 5 hoạt chất mà phía Mỹ cấm là: Iproione, Cyphermethrin, Difennoconazole, Carbendazi, Chlorothaloni.
Bên cạnh đó, phải có sổ nhật ký ghi rõ ngày, giờ bón phân, tưới nước cho cây… Qua thống kê của ngành chức năng, sản lượng vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP năm nay đạt khoảng 600 tấn. Do bảo đảm các tiêu chuẩn nên số vải thiều này được tiêu thụ thuận lợi tại một số thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Anh, Australia... Giá vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP được doanh nghiệp, thương nhân thu mua dao động từ 23 - 30 nghìn đồng/kg.
Khơi thông thị trường
Với gần 32 nghìn ha vải cho thu hoạch, sản lượng 190 nghìn tấn, Bắc Giang là địa phương có diện tích, sản lượng vải lớn nhất cả nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trước khi bước vào vụ thu hoạch, tại huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều với sự góp mặt của một số bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương, cửa khẩu, doanh nghiệp, người dân... Sau đó, tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh cùng đại diện chính quyền, ngành chức năng các tỉnh, đặc biệt là sự tham gia của chính quyền một số huyện, thị của Trung Quốc có cửa khẩu thông thương với Việt Nam.
Nhờ tăng tính chủ động cũng như sự giúp sức đắc lực từ tỉnh bạn, hoạt động xuất khẩu vải thiều qua một số cửa khẩu đều “thuận buồm, xuôi gió”, không có tình trạng ùn tắc. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Đây là năm đầu tiên hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều được tổ chức tại Lạng Sơn, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh Bắc Giang. Có lẽ chưa có địa phương nào xúc tiến tiêu thụ nông sản bài bản như vải thiều của Bắc Giang. Để thuận lợi cho các thương nhân, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng tại các cửa khẩu ưu tiên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kê khai, kiểm dịch... Bố trí lối đi riêng cho xe chở vải thiều xuất khẩu để hạn chế tình trạng ùn tắc”.
Vải thiều bày bán tại Siêu thị BigC Bắc Giang.
Năm nay lượng vải thiều tươi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận chiếm hơn 60% sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, việc một số hệ thống siêu thị như: Co.opmart, BigC... đưa vải thiều Bắc Giang vào hệ thống đã góp phần giảm sức ép tiêu thụ cho người sản xuất.
Cùng với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Lục Ngạn đã tích cực quảng bá thương hiệu vải thiều của địa phương thông qua trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại TP Bắc Giang hay đưa vào suất ăn tráng miệng của Vietnam Airlines. Công ty Điện lực Bắc Giang đã ưu tiên cấp điện cho vùng vải thiều trọng điểm của tỉnh, bảo đảm các cơ sở chế biến vải thiều, sản xuất đá, thùng xốp hoạt động ổn định. Các ngân hàng thương mại đã dành số vốn hàng trăm tỷ đồng cho vay phục vụ tiêu thụ vải thiều…
Những tồn tại cần khắc phục
Được đánh giá là vụ vải thiều được mùa, được giá, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần lưu tâm. Đó là chất lượng quả vải không đồng đều. Trong khi tại địa bàn Lục Ngạn, Lục Nam, nông dân quan tâm đầu tư thâm canh và có thu nhập cao từ vải thiều thì tại một số địa phương khác, bà con chưa chú trọng đầu tư cho cây trồng này. Do đó, giá vải thiều tại Lục Ngạn có thể lên đến hơn 30 nghìn đồng/kg cao gấp 3, thậm chí 4 lần tại Yên Thế, Lạng Giang hay Sơn Động. Vải thiều xuất khẩu chủ yếu là của Lục Ngạn, Tân Yên; còn các huyện khác rất khó có thể xuất khẩu do không bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Khâu chiếu xạ để xuất khẩu vải thiều phải thực hiện tại TP Hồ Chí Minh khiến chi phí vận chuyển tăng cao; việc vận chuyển đường xa cũng ảnh hưởng tới chất lượng quả.
Đến ngày 7-7, sản lượng vải thiều thu hoạch toàn tỉnh ước đạt 190 nghìn tấn, tương đương năm trước. Vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang khoảng 92 nghìn tấn; xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Australia, Pháp, Anh... đạt 150 tấn; vải thiều chế biến 6,2 nghìn tấn. Còn lại là tiêu thụ nội địa, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hiệp định thương mại Việt Nam - Trung Quốc quy định việc thông quan người và hàng hóa tại các cửa khẩu khác nhau khiến chủ hàng gặp khó trong việc quản lý hàng hóa. Dù đã thành lập các tổ liên ngành để giải tỏa hành lang an toàn giao thông nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong vụ vải thiều, nhất là tại một số điểm tập trung nhiều điểm cân ở huyện Lục Ngạn như: Xã Phượng Sơn, Hồng Giang, thị trấn Chũ...
Trao đổi với ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương được biết, để phục vụ việc chiếu xạ cho vải thiều Bắc Giang, ngành chức năng đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, vải, nhãn xuất khẩu đi Mỹ, Australia sẽ không cần vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Sắp tới Sở Công thương sẽ kiến nghị với các bộ, ngành liên quan làm việc với nước bạn Trung Quốc về việc cho phép chủ hàng đi cùng với hàng hóa để tiện bảo quản. Tỉnh cũng không có chủ trương mở rộng vùng trồng vải thiều mà tiếp tục nâng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP không chỉ tại huyện Lục Ngạn nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững phục vụ xuất khẩu.
Việt Anh (Báo Bắc Giang)
Không có nhận xét nào: