» » » Vườn nho dại Sáu Lang

Vườn ươm giống nho dại của ông Nguyễn Thường Lang, TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) trở thành địa chỉ quen thuộc của người trồng nho.

Khu vườn giống nho dại Sáu Lang - Ảnh: Thiện Nhân

Khu vườn ươm rộng hơn 2 ha, với bảng hiệu “Sáu Lang” nằm trong con hẻm thuộc khu phố 2, P.Mỹ Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Vườn ươm của Sáu Lang không chỉ cung cấp giống nho dại cho những khách hàng là nông dân hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận mà còn cho các khu resort ở nhiều nơi.

Xây dựng thương hiệu

Năm 1999, sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cấy ghép do tổ chức Phi chính phủ tiến hành tại H.Tuy Phong (Bình Thuận), Sáu Lang tiếp nhận 10 cành nho dại Couderc 1613 đưa về vườn nhân giống.

Từ những kiến thức được lĩnh hội, Sáu Lang cho rằng trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại sẽ giúp cây nho có sức đề kháng cao, giảm bớt sâu bệnh, cho năng suất vượt trội. Sau hơn 2 năm chăm sóc vườn nho dại Couderc 1613, ông thành lập trại ươm giống, cung cấp giống nho dại cho nông dân địa phương.

Sáu Lang cho biết, cành nho dại Couderc 1613 được ươm trong bầu cho đến khi ra cành mới đưa ra trồng trực tiếp tại vườn. Khi cây nho dại phát triển, tùy theo sở thích của người trồng họ có thể ghép giống nho xanh (NH01-48) hay giống nho đỏ (Red Cardinal) vào gốc cây nho dại bằng phương pháp ghép nêm cành hoặc ghép mắt, với tỉ lệ sống trên 95%.

“Những năm đầu mới triển khai, nông dân còn e dè nên tôi đến từng hộ trồng nho giới thiệu sản phẩm và trực tiếp hướng dẫn chi tiết từ khâu xuống giống, kỹ thuật ghép cành, chăm sóc…cho đến khi vườn nho kết trái. Từ vài hộ trồng thành công, nhiều hộ khác thấy vậy tự đến tìm hiểu kỹ thuật, đến nay hầu hết nông dân trồng nho ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã áp dụng trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại”, Sáu Lang tâm sự.

Ông Đào Mạnh Tiệp, nông dân trồng nho sạch ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, H.Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, năm 2013 gia đình trồng thử nghiệm theo phương pháp dùng gốc nho dại Couderc 1613 ghép cành nho xanh trên diện tích 3 sào (3.000 m2), vụ đầu tiên thu lãi hơn 300 triệu đồng. Hiện ông Tiệp đang mở rộng diện tích lên đến 1 ha.

Theo ông Tiệp, gốc nho dại Couderc 1613 phát triển rất mạnh, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, bình quân mỗi sào cho năng suất 3 tấn/vụ, cao gấp 1,2 lần so với cách làm truyền thống trước đây.

Sản xuất giống sạch

Để nâng cao chất lượng cây trồng, năm 2014, Sáu Lang bỏ vốn gần 1 tỉ đồng đầu tư công nghệ như thiết bị thanh lọc nước, xây dựng nhà lưới, hệ thống điện điều chỉnh nhiệt độ… để thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sáu Lang cho biết, trước đây muốn xử lý mầm bệnh phải ngâm thân cây giống vào nước pha thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Còn theo quy trình VietGAP, thân cây được rửa từ nguồn nước đã được xử lý tạp chất; sau đó đưa vào vườn ươm có nhà lưới để tránh mầm bệnh từ bên ngoài vào thân cây.

Với quy trình khép kính, giống nho dại Sáu Lang luôn đạt chất lượng, tạo được uy tín trên thị trường. Bình quân mỗi năm, cơ sở ông xuất bán ra thị trường khoảng 600.000 cây nho dại, trừ chi phí mỗi năm lãi trên 1,5 tỉ đồng.

“Ngoài việc cung cấp giống cho nông dân trồng nho ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp trong nước thường xuyên đặt hàng mua giống nho dại về trồng tại các khách sạn, nhà hàng, resort để làm cảnh”, Sáu Lang nói và cho biết năm 2013, ông ký kết hợp đồng cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trên diện tích 30 ha cho một doanh nhân đến từ Campuchia.

Thiện Nhân (Báo Thanh Niên)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: