Lo ngại việc cho nhập khẩu 50.000 tấn đường do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thực hiện sẽ phát sinh những tiêu cực nên Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn gửi các bộ, ngành kiến nghị bổ sung nội dung trong Thông tư 08 của Bộ Công Thương.
Hoàng Anh Gia Lai được nhập khẩu 50.000 tấn đường
Sau nhiều tranh luận giữa VSSA và các bộ, ngành, cách đây gần 2 tháng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2015/TT-BCT quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 mặt hàng đường có xuất xứ từ Lào với thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch 2,5%. Thông tư quy định, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 1701) năm 2015 có xuất xứ từ Lào là 50.000 tấn. Thương nhân nhập khẩu đường từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) sản xuất tại Lào và có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp theo quy định được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 2,5%.
Cũng theo Thông tư trên, thủ tục nhập khẩu hàng hóa giải quyết tại hải quan cửa khẩu theo quy định, không phải xin phép Bộ Công Thương và thực hiện theo nguyên tắc trừ lùi tại cơ quan Hải quan cho đến hết lượng hạn ngạch thuế quan. Trường hợp nhập khẩu đường ngoài số lượng hạn ngạch thuế quan trên, thương nhân phải thực hiện các chính sách quản lý nhập khẩu và thuế nhập khẩu đường theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Như vậy, kể từ ngày 27-5, HAGL được phép đưa đường trong hạn ngạch 50.000 tấn về Việt Nam để tiêu thụ trong nước.
Mới đây, VSSA đã có công văn gửi các Bộ: Công Thương, Tài chính, NN&PTNT kiến nghị bổ sung một số nội dung trong Thông tư 08 với lý do “để tránh tạo khe hở dễ xảy ra gian lận thương mại gây thêm ảnh hưởng xấu đến sản xuất mía đường trong nước”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA cho biết, hiện nay, mặt hàng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quản lý chặt vì được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, đặc biệt là đường sản xuất từ Lào của HAGL nhập vào Việt Nam được hưởng thuế 2,5%. Tại Thông tư 08 đã không nêu đầy đủ các quy định để có đủ các điều kiện quản lý như bấy lâu nay Bộ Công Thương đã quản lý hạn ngạch nhập khẩu.
Theo phân tích của ông Hải, các thông tư liên quan đến quản lý các mặt hàng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quy định rất chặt chẽ về chủng loại, thời gian và xác nhận đối tượng thương nhân được mua. Thương nhân Việt Nam khi nhập khẩu đều phải qua sự kiểm soát của Việt Nam nhưng trong Thông tư 08 chỉ nói chung chung cho HAGL đưa đường về bán tại Việt Nam và cũng không biết bán cho ai. Trong khi đó, đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hiện quản lý theo hình thức phân bổ cũng phải xác định người mua và kiểm soát người mua. “Đây là 2 hình thái quản lý khác nhau. Liệu rằng, việc quản lý trong Thông tư 08 dễ dãi hơn so với bình thường?”, ông Hải hoài nghi.
Mặt khác, ông Hải cũng nêu lên một điểm bất cập tại Thông tư 08 “dễ đưa đến việc thương nhân lợi dụng”. Cụ thể, chủng loại đường trong Thông tư này cũng không được nhắc tới. Trên thực tế, đường HAGL sản xuất là đường trắng đồn điền, không phải đường luyện. Một lần nữa, vị đại diện của VSSA đặt nghi vấn: “Nếu nói chung chung, doanh nghiệp có thể đưa một loại đường khác về bán thì sao, hoặc doanh nghiệp mua đường ở đâu đó để HAGL xác nhận là đường của HAGL và nhập khẩu về Việt Nam”.
Với những lý do nêu trên, VSSA kiến nghị bổ sung những nội dung, gồm: Chủng loại đường HAGL được nhập khẩu vào Việt Nam (số lượng đi kèm với chủng loại); thời điểm và thời hạn cuối cùng nhập khẩu lượng đường 50.000 tấn này; xác định rõ thương nhân và các điều kiện cần có để được phân giao nhập khẩu (tức công ty được phép nhập).
Đối với mức thuế suất 2,5%, Hiệp hội này cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét giá nhập khẩu trong hồ sơ nhập khẩu dùng làm căn cứ để tính thuế nhập khẩu và tham chiếu vào giá của 2 thị trường quốc tế: Sàn giao dịch New York cho đường thô và sàn giao dịch London cho đường trắng để kiểm soát giá nhập khẩu nhằm tránh tình trạng thương nhân nhập khẩu có thể gian lận thuế nhập khẩu, thuế VAT bằng hình thức giảm đơn giá đường nhập khẩu trong hồ sơ nhập khẩu.
Theo thống kê của HAGL, trong tháng 6, doanh nghiệp này nhập 1.330 tấn đường (mã HS 17019911) trị giá 803.320 USD qua cửa khẩu Bờ Y về Việt Nam. Đây là loại đường trắng và đúng chủng loại đường mà HAGL đang sản xuất tại Lào. Tuy nhiên, nếu so sánh với cách điều hành đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hiện tại rất “chặt chẽ” từ chủng loại, thời gian cho đến người mua và hình thức sử dụng thì những nghi ngại của VSSA cũng không phải không có lý. Còn nhớ, cơ chế phân giao đường nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đã gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước.
Diệp Anh (Báo Hải Quan)
Không có nhận xét nào: