Là một trong những địa phương chăn nuôi trọng điểm của khu vực Đông Nam bộ, nhưng thời gian qua người chăn nuôi gà ta tại Bà Rịa Vũng Tàu vẫn phải nhập con giống từ các tỉnh miền Tây, Bình Định và thậm chí tại các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân là do các trại giống trên địa bàn tỉnh chưa đủ nguồn cung, chất lượng con giống cũng không đáp ứng yêu cầu.
Các chủ trại chăn nuôi gà ta vẫn phải nhập con giống từ các tỉnh khác. Trong ảnh: Lấy trứng từ một trang trại nuôi gà đẻ tại huyện Châu Đức. Ảnh: Thanh Nga
Gà… đi máy bay
Đó là trường hợp 5.000 con gà giống vừa được ông Nguyễn Hữu Nam, người có 4 trại gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) đặt hàng mua từ các trại gà giống tận tỉnh Bắc Ninh. Ông Nam cho hay, để kịp tái đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao hiện nay, ngay từ đầu năm 2015, ông đã phải liên hệ với trại giống tại Bắc Ninh để mua con giống. Hơn 5.000 con gà giống đã được vận chuyển bằng máy bay vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó được chở bằng ô tô về Châu Đức. Tuy nhiên, do việc vận chuyển đường xa, thay đổi khí hậu đột ngột nên đã có hơn 600 con gà giống bị chết. Hậu quả là đội chi phí đầu vào cao lên, tính ra mỗi con giống có giá 19.000 - 20.000 đồng. “Với mức giá này thì không có lãi nhiều”, ông Nguyễn Hữu Nam nói.
Một thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá bán gà ta trên địa bàn tỉnh khá ổn định, đặc biệt có thời điểm tăng cao gần ngang bằng với gà ta thả vườn, được thương lái mua với giá từ 75.000 - 85.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhiều chủ trang trại chăn nuôi gà đành “ngậm ngùi” bỏ lỡ “cơ hội vàng” này vì không có con giống để nuôi. Ông Nguyễn Đức Thuận, chủ trang trại gà ở thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, sau khi bán hết đợt gà phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán năm 2015, đáng lẽ tháng 2-2015 là phải tái đàn. Nhưng do nguồn cung gà giống khan hiếm, giá tăng cao từ 17.000 - 18.000 đồng/con cũng không có để mua, trại chăn nuôi của gia đình ông buộc phải “treo chuồng” trong 2 tháng. Đến tháng 4 ông mới mua được gà giống từ Bình Định vào. Ông Thuận cho biết thêm: “Gà giống mua giá cao, lại mới tái đàn nên phải đến 3 tháng sau mới có lứa gà thịt xuất bán. Nếu giá gà vẫn giữ ổn định mức 70.000 - 80.000 đồng/kg như hiện nay mới có lãi, còn nếu như nguồn cung gà thịt nhiều, giá rớt xuống thấp thì chỉ có lỗ”.
Chưa có cơ sở nhân giống quy mô
Chủ các trang trại chăn nuôi gà cũng cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh vẫn có các trại sản xuất gà ta giống nhưng do quy mô nhỏ, lẻ, chất lượng con giống chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy các trang trại chăn nuôi gà ta có quy mô lớn lo sợ “rủi ro” về dịch bệnh, nên chấp nhận mua con giống ngoại tỉnh giá cao. Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại chăn nuôi tại ấp 4, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) phân tích, các con giống nhập từ các tỉnh Bình Định hay Bắc Ninh được nuôi bằng công nghệ cao, nghĩa là hoàn toàn tự động từ khâu ấp trứng, tiêm vắc xin, quy trình cho gà ăn, nên gà được kiểm soát tốt, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ gà sống khỏe mạnh đạt cao. Còn nếu như mua gà giống từ các trại giống nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ hao hụt nhiều, gà nuôi hay bị chết vì dịch bệnh. Nguyên nhân là do lò ấp của các trại giống trên địa bàn tỉnh đều bằng thủ công, khó kiểm soát dịch bệnh. Muốn đầu tư hệ thống sản xuất con giống đạt chuẩn (nuôi bằng phòng lạnh, việc cho ăn, tiêm vắc xin bằng hệ thống tự động) đòi hỏi nguồn vốn lớn, mỗi trại khoảng 1 tỷ đồng.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, trong tổng số hơn 3,8 triệu con gia cầm đang được nuôi trên địa bàn tỉnh thì đàn gà có hơn 2,5 triệu con. Do không có cơ sở quy mô nhân giống gà nên giống gà ta hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các trang trại quy mô từ 1.000 - 5.000 con/lần nuôi phải nhập giống từ tỉnh Bình Định hoặc các tỉnh miền Tây, miền Bắc. Một số trang trại quy mô lớn đã tự sản xuất con giống, tuy nhiên chỉ phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi khép kín, không bán ra ngoài. Riêng giống gà công nghiệp (gà trắng) phải nhập toàn bộ từ các cơ sở sản xuất giống của Công ty CP, Emivest, Japfa… Mỗi tháng 3 doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường (trong nước) khoảng 6,2 - 6,5 triệu con giống và gần như hoàn toàn làm chủ thị trường giống gà công nghiệp trong nước.
Thực tế này đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có các giải pháp đẩy mạnh việc đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất con giống gia cầm, đặc biệt là giống gà ta. Bởi vì cho đến thời điểm này, chăn nuôi gà ta hiện vẫn đang trụ vững và là lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm gà công nghiệp giá rẻ của các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện các công ty nước ngoài vẫn chưa sản xuất và nuôi giống gà ta. Tuy nhiên về lâu dài, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, các công ty nước ngoài nghiên cứu, sản xuất ra được giống gà ta bằng công nghệ hiện đại thì ngành chăn nuôi gà dễ bị “lép vế” so với doanh nghiệp nước ngoài.
Bài, ảnh: Lam Giang (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Không có nhận xét nào: