» » Sở Tài chính sẽ định giá mua mía nguyên liệu

Trước vụ mía mới, Sở Tài chính của các tỉnh có trồng mía sẽ chủ trì hiệp thương giá tối thiểu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường với đại diện người trồng mía trong từng niên vụ. Và 30 ngày trước khi vụ mía mới bắt đầu thu hoạch, sở này phải đưa ra được giá mua mía cho các bên có liên quan.

Vận chuyển mía vào ép đường tại một nhà máy. Ảnh: TL.

Đây là nội dụng trong dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mía đường Việt Nam đưa ra lấy ý kiến với người trồng mía, các nhà máy... Trong trường hợp, vùng mía nguyên liệu nằm ở hai tỉnh khác nhau thì hai bên sẽ thống nhất để một Sở Tài chính đứng ra hiệp thương.

Như vậy, có thể hình dung, trong những vụ mía tới đây, giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy ở các tỉnh khác nhau sẽ là khác nhau vì phụ thuộc vào chi phí đầu vào của nông dân trồng mía các tỉnh. Còn hiện nay, cách tính giá mua mía nguyên liệu theo công thức chung mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội mía đường Việt Nam thống nhất với nhau.

Vụ mía 2014/2015, các nhà máy sẽ mua mía 10 chữ đường (CCS) tại ruộng với mức giá mỗi tấn tương đương 65-70kg đường trắng trước thuế bán ra tại kho nhà máy. Còn vụ mía trước đó là 60kg đường tương đương một tấn mía nguyên liệu.

Thoạt nhìn, nhiều người dễ bị nhầm tưởng giá mua mía nguyên liệu tăng lên, song do giá đường giảm liên tiếp trong suốt cả vụ nên trên thực tế, giá mua mía nguyên liệu trong niên vụ mía 2014/15 thấp hơn so với vụ mía trước đó. Hiện tại 1 kg mía nguyên liệu được mua với giá 900 đồng, giảm khoảng 50 đồng/kg so với vụ trước.

Theo dự thảo nghị định, nông dân trồng mía được lựa chọn, đàm phám ký kết hợp đồng với nhà máy và ngược lại, các nhà máy đường cũng được lựa chọn nông dân để ký hợp đồng mua mía nguyên liệu.

Mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy phải đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-98:2012/BNNPTNT về chất lượng mía nguyên liệu và việc xác định chất lượng mía nguyên liệu phải do tổ chức đánh giá độc lập với nhà máy đường và người sản xuất mía thực hiện.

Trong những vụ mía vừa qua, người trồng mía đã nhiều lần phản ứng tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các nhà máy khi tự xác định chất lượng mía (còn gọi là chữ đường - CCS) để tính giá mua khiến nông dân bị thua thiệt trong khâu mua bán vì không có bên thứ ba đứng ra kiểm định.

Một điểm mới được người trồng mía quan tâm là nhà máy đường sẽ phải phân phối lợi nhuận cho người trồng mía trong trường hợp giá bán đường cao hơn giá dự kiến từ đầu vụ sản xuất. Đây là một điểm được những người soạn thảo đánh giá là điểm ”nổi bật trong nghị định”.

Tuy nhiên, trong những năm qua, giá đường bán ra tại các nhà máy thường có xu hướng giảm. Nếu so sánh giá đường từ đầu vụ mía đường 2014/2015 ( thời điểm tháng 10-2014) và giá đường khi kết thúc vụ mía (tháng 6-2015) thì giá đường bán ra tại các nhà máy giảm từ 500-1.000 đồng/kg (tùy từng địa phương). Song về lâu dài, đây là điểm để giúp ngành đường phân phối lợi nhuận sao cho phù hợp và giúp ngành mía đường phát triển bền vững hơn.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện các nhà máy đường đã kết thúc vụ mía 2014/2015, sản lượng đường sản xuất ra của các nhà máy là hơn 1,4 triệu tấn, giảm hơn 13% so với niên vụ trước.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: