Để tạo điều kiện tốt cho cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất và 50% lãi suất san bằng mặt ruộng bằng tia laze. Việc thực hiện chính sách này đã tạo sự phấn khởi trong người dân do tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như tăng chất lượng hạt gạo. Tuy nhiên, việc này người dân thuê đất vẫn còn nhiều trăn trở...
Giảm chi phí nhờ san bằng mặt ruộng bằng tia laze
Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc hợp tác xã Tân Cường (là 1 trong 3 đơn vị hợp tác xã: Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến được chọn để thực hiện thí điểm san bằng mặt ruộng, xóa bỏ bờ thửa bằng tia laze) cho biết: “Vụ đông xuân năm 2015, hợp tác xã có 50ha diện tích san bằng mặt ruộng bằng tia laze. Trong đó, đối với 3 hộ có diện tích đất và đất thuê liền kề thì hiện nay hợp tác xã đã vận động được 1 hộ của anh Phạm Văn Tuấn Hải san bằng mặt ruộng diện tích 8ha. Theo đánh giá việc san bằng mặt ruộng này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bởi không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.
Anh Phạm Văn Tuấn Hải ở xã Phú Cường cho biết: “Đất nhà có 3ha, để mở rộng diện tích, tôi thuê thêm 5ha đất của dòng họ (thời gian 10 năm). Sau khi ký thỏa thuận thuê đất năm 2014, tôi tiến hành san bằng ruộng đất bằng tia laze và mang lại hiệu quả khá cao. Chỉ riêng chi phí đầu vào, mỗi vụ tôi tiết kiệm được gần 1 triệu đồng/ha. Về đầu ra, sản lượng cũng như chất lượng lúa đều tốt hơn, giá bán cũng cao hơn vài trăm đồng/kg".
Theo ông Nguyễn Văn Trãi, mặt bằng là tiền đề của sản xuất nông nghiệp, ở trên ruộng lúa nếu đất gò cũng chết, trũng cũng chết theo kiểu “cỏ mọc trên gò, lúa chết chỗ trũng”... khi được san bằng, ngoài lợi ích mang lại từ việc tăng diện tích đất sản xuất, còn tiết kiệm được chi phí bơm tát, phân bón, thuốc trừ cỏ... từ 10-15%/vụ, trong khi năng suất tăng 15-20%/vụ. Nếu thực hiện thành công việc này có sự hỗ trợ của Nhà nước thì tin chắc rằng nông dân sẽ đồng tình và ủng hộ cao.
Nông dân chưa “mặn”
Mặc dù việc san bằng ruộng đất mang lại hiệu quả khá cao, song cái khó là chi phí cho việc san bằng mặt ruộng rất lớn, nên dù nông dân có đồng tình cũng chưa triển khai rộng rãi. Theo tính toán, chi phí cho việc san bằng 1ha khoảng 10 triệu đồng, số tiền này đối với nông dân là khá cao, trong khi nông dân thuê đất chỉ thuê trong thời gian ngắn, thường thuê theo từng năm hoặc dài nhất là 3-5 năm, nên nông dân vẫn còn băn khoăn chưa mạnh dạn san bằng mặt ruộng bằng tia laze. Ông Nguyễn Hoàng Ân - Giám đốc hợp tác xã Phú Bình cho biết, tại hợp tác xã có 7 hộ được chọn để thực hiện thí điểm san bằng mặt ruộng với diện tích 9,5ha và diện tích mở rộng 23ha, thì vụ này vẫn chưa có hộ nào thực hiện san bằng mặt ruộng bằng tia laze.
Ông Võ Trường Chinh ở ấp K8, xã Phú Đức (Tam Nông) có 3ha đất lúa, để mở rộng quy mô, ông thuê thêm 4ha đất (thuê theo từng năm), do vậy vấn đề san bằng ruộng đất đối với ông là rất khó. Ông Chinh nói: “Do thuê theo từng năm nên nếu san bằng mặt ruộng bằng tia laze thì tôi không làm được, nếu Nhà nước hỗ trợ chính sách này thì nên hỗ trợ luôn cho chúng tôi 50% chi phí san bằng mặt ruộng. Ví dụ nếu chi phí sang bằng mặt ruộng mỗi hecta là 10 triệu đồng thì Nhà nước nên hỗ trợ 5 triệu đồng, 5 triệu đồng còn lại chủ ruộng và người thuê đất chúng tôi tự thỏa thuận phân chia”.
Bên cạnh chi phí san bằng mặt ruộng cao, nông dân cũng đang băn khoăn về việc tiếp cận nguồn vốn thuê đất theo chính sách của tỉnh. Theo chính sách, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất và 50% chi phí san bằng mặt ruộng bằng tia laze đối nông dân có diện tích đất thuê liền kề từ 3ha trở lên. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, cơ chế cho vay còn chung chung nên HTX chưa triển khai được đến người dân, còn nông dân vẫn chưa được cơ quan nào hướng dẫn thủ tục vay hay vay ở ngân nào?
“Nghe hợp tác xã vận động tỉnh có hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất nhưng tôi cũng chưa hiểu rõ chính sách này là như thế nào? ” - ông Chinh nói. Còn về phía hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc hợp tác xã Tân Cường cũng trăn trở: “Ở hợp tác xã Tân Cường hiện có rất nhiều hộ thuê đất và san bằng mặt ruộng làm ăn hiệu quả, nhưng đa phần họ thuê manh mún chứ không liền kề - nên không nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của tỉnh (chỉ hỗ trợ những hộ có diện tích đất thuê liền kề từ 3ha trở lên). Do vậy nếu được, hợp tác xã mong chính sách này hỗ trợ luôn cho các hộ thuê đất không liền kề, nhằm tạo điều kiện để họ mở rộng sản xuất. Qua đó, rút dần được lực lượng lao động từ việc cho thuê đất để chuyển sang các ngành nghề khác..."
Đây chỉ là chính sách thí điểm
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, vấn đề băn khoăn của hợp tác xã, nông dân cũng đang là điều trăn trở của ngành, do đây là chính sách mới nên ngay từ đầu việc thực hiện cơ chế cấp bù như thế nào cũng là vấn đề khó... Ngành đã nghiên cứu, tháo gỡ từng khó khăn trong chính sách để triển khai đến hợp tác xã và nông dân nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất đến nông dân. Nếu thực hiện thành công, việc thí điểm này sẽ là tiền đề để tỉnh tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các mô hình sản xuất khác, tiến tới hoàn thiện dần mô hình sản xuất quy mô lớn trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, đòi hỏi sự cố gắng của nhiều phía, nhất là hợp tác xã và địa phương triển khai thí điểm, làm sao cho nông dân thấy được hiệu quả của việc làm này, sau đó nông dân sẽ tự thỏa thuận và đi đến thống nhất việc thuê đất cũng như san bằng mặt ruộng hợp lý.
Theo đó, về cơ chế hỗ trợ cụ thể cho chính sách này như sau: Đối với chính sách hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất, nếu nông dân có 2ha đất sản xuất và muốn mở rộng thêm 1,5ha đất nữa (chi phí 20 triệu đồng/ha/năm, đối với đất 2 vụ) thì sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất chỉ với 1,5ha đất. Cũng với diện tích 1,5ha này, nếu nông dân muốn san bằng mặt ruộng bằng tia laze, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 50% lãi suất của vốn vay (hỗ trợ một lần cho 3 năm). Nông dân phải được hợp tác xã bảo lãnh thì mới đảm bảo điều kiện vay. Bước đầu tỉnh sẽ thực hiện thí điểm đối với 29 hộ nông dân tại 3 hợp tác xã Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến. với diện tích 126ha (trong đó diện tích sở hữu hơn 45ha đất trồng lúa và thuê thêm của những hộ bên cạnh gần 80ha).
“Chính sách này được thực hiện trong năm 2015, hiện ngành đang tiến hành các bước phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh triển khai các thủ tục liên quan đến chính sách, sau đó phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tiến hành các bước cuối cùng để hỗ trợ nông dân. Mục đích chủ yếu của chính sách nhằm giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn của quỹ đầu tư, ngân hàng để mở rộng sản xuất hiệu quả. Về lâu dài, ngành sẽ nghiên cứu, hỗ trợ thêm mô hình trang trại, bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 205 hộ đạt chứng nhận trang trại, nên nếu hỗ trợ cho trang trại sẽ sát với thực tế hơn, đồng thời qua việc hỗ trợ thêm mô hình này sẽ mở rộng được quy mô sản xuất theo mô hình lớn...” - ông Nguyễn Văn Công cho biết.
Mỹ Nhân (Báo Đồng Tháp)
Không có nhận xét nào: