Lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đáng báo động theo từng năm, kèm theo đó là mối lo ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, hậu quả là người tiêu dùng “lãnh đủ”.
463 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng) là số tiền mà Việt Nam đã tiêu tốn để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 7 tháng đầu năm 2015, theo thống kê mới đây nhất của Bộ Công Thương. Tình trạng liên tục gia tăng nhập khẩu thuốc trừ sâu trong 10 năm qua và chưa có dấu hiệu kéo giảm được cho là rất đáng báo động.
Nhập nhiều, độc hại nhiều
Nếu 10 năm trước (năm 2005), nước ta mới chỉ nhập khoảng 20.000 tấn thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì đến năm 2012 đã nhập tới 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD.
Năm 2013, lượng nhập khẩu đã nhảy vọt lên 112.000 tấn, kim ngạch 778 triệu USD. Đến năm 2014, Việt Nam cũng đã tốn tới 774 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 3,3% so với năm 2013. Và năm 2015 được dự báo kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu sẽ còn tăng mạnh hơn các năm trước.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ 15 thị trường trên thế giới.
Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 55% trong tổng kim ngạch. Nguồn cung lớn đứng thứ hai là Hàn Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ các thị trường như: Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Bỉ...
Do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí cho 1ha lúa của Việt Nam cao gấp 2 lần các nước khác
Một kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy là có khoảng 90% thuốc bảo vệ thực vật đang bán trên thị trường hiện nay là sử dụng nguyên liệu ngoại nhập. Mỗi năm, nông dân cả nước dùng hàng chục ngàn tấn hóa chất để phun cho cây cối, rau màu nhưng có hơn 26% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như dùng thuốc ngoài danh mục, không đúng quy trình kỹ thuật, vượt quá nồng độ và liều lượng.
Tại hội nghị “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức vào trung tuần tháng 7/2015 vừa qua, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGGPS) đã phải lên tiếng cảnh báo: “Năm vừa qua, nước ta nhập khẩu hàng trăm triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Với bấy nhiêu đó thuốc được sử dụng, mức độ ô nhiễm môi trường là rất lớn”.
Ông Thòn chia sẻ một thực tế đáng buồn là nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì phun thuốc. Hàng năm, lượng bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu thu gom được hàng chục ngàn tấn, cho thấy mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật của nông dân hiện nay là rất lớn. Kiểm tra tại các cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng hầu hết đều không thể “an toàn” bởi người trồng rau vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng thuốc ngoài danh mục…
Mối lo thuốc ngoại
Không chỉ gia tăng nhập khẩu thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mà sự lấn át doanh nghiệp nội của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại thị trường trong nước cũng là điều đáng suy nghĩ.
Theo Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), 50% thị phần thuốc bảo vệ thực vật hiện nay thuộc về 7 doanh nghiệp nước ngoài, còn lại là của 300 doanh nghiệp nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), 80% số thuốc bảo vệ thực vật nhập về là từ Trung Quốc. Trong cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là thuốc trừ cỏ (45-47%), sau đó là thuốc trừ bệnh (27%), thuốc trừ sâu (23%) và một số thuốc khác.
Số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu phần lớn là nguyên liệu, còn thành phẩm thì rất ít, trong đó có khoảng 15% nguyên liệu doanh nghiệp nhập để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phục vụ xuất khẩu, 15% để trong kho, còn lại 70% (tương đương 70.000 tấn) để sử dụng trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí cho một hécta lúa của Việt Nam lên tới 502 USD, cao gấp hai lần các nước khác, chưa kể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, an toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất mà còn đang gây ra những bất ổn trong sản xuất nông nghiệp.
Những mối lo lạm dụng thuốc trừ sâu ngoại, thuốc trôi nổi, thuốc giả, kém chất lượng có xuất xứ Trung Quốc của nông dân vốn đã được nhận diện từ lâu. Biết rõ như vậy, nhưng các biện pháp tuyên truyền, ngăn ngừa nhằm tránh lạm dụng thuốc trừ sâu của cơ quan chức năng vẫn khá mờ nhạt.
Chính vì thế, đến bây giờ, người nông dân hoặc con buôn vẫn có thể dễ dàng mua và sử dụng thuốc bảo quản nông sản, thuốc “ép” trái cây chín sớm và cho quả đẹp.
Là một nước sản xuất nông nghiệp, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu để phục vụ cho ngành nông nghiệp là chuyện khó tránh khỏi.
Cũng phải thừa nhận ngành sản xuất các loại hoá chất tổng hợp dùng cho bảo vệ thực vật trong nước chưa phát triển nên các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu.
Thế nhưng để Việt Nam trở thành một thị trường lớn tràn ngập thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ngoại nhập với vô số độc hại cho người tiêu dùng thì quả là câu chuyện đáng buồn!
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất còn đang gây ra những bất ổn trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc tìm kiếm thay thế cho các sản phẩm này là cần thiết cho nông nghiệp bền vững. Đồng thời, các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học nhằm thúc đẩy sinh trưởng thực vật, giúp giảm thiểu rủi ro trong quản lý sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT:
80% thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Việt Nam phun lên cây trồng không đúng đối tượng và chủ yếu ảnh hưởng ra môi trường, gây ô nhiễm và lãng phí, dẫn tới chi phí trồng trọt tăng cao, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa các thị trường xuất khẩu nông nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang:
Nông dân trồng rau ở nhiều nơi vẫn có thói quen dùng thuốc trừ sâu, tăng trưởng để thâm canh, tăng năng suất, miễn sao phải “diệt được sâu” để có “rau đẹp”. Và hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng “lãnh đủ”.
Thế Vinh (Thời báo kinh doanh)
Không có nhận xét nào: