Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn thường xuyên phải nhập khẩu lượng lớn giống cây trồng, từ lúa, ngô cho tới cà chua, khoai tây… Một số chuyên gia nhận định, điều này khá bình thường nhưng về lâu dài dễ gây ra tình trạng phụ thuộc nguồn giống, đặc biệt là khi Bộ NN&PTNT chủ trương mở “rộng cửa” cho cây trồng biến đổi gen.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sự an toàn sinh học của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người. Ảnh: N. Thanh
Giống lúa: 70% nhập khẩu từ Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới, có mặt mạnh nhưng cũng có mặt yếu. Một trong những điểm yếu đó là nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chưa sản xuất ra với chất lượng tốt bằng các nước nên phải nhập khẩu. Điển hình như giống lúa lai, hiện nay Việt Nam vẫn nhập khẩu 70% từ Trung Quốc. Gần đây, Bộ đã hỗ trợ Viện nghiên cứu tạo ra các giống lúa thuần nhưng năng suất và chất lượng không hề thua kém lúa lai nên tại nhiều vùng bà con nông dân đã chuyển sang trồng lúa thuần, góp phần giảm áp lực nhập khẩu giống.
“Chủ trương của Bộ là tiếp tục tìm kiếm và nhập khẩu các loại giống tốt về Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong điều kiện có thể Bộ sẽ cố gắng nhập khẩu giống đầu dòng về rồi nhân rộng ra, hạn chế tối đa việc nhập khẩu giống thương phẩm, trừ những trường hợp phức tạp, khó khăn như giống lúa lai Trung Quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này, GS. TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Năng suất một số loại giống cây trồng như ngô, lúa ở thị trường Trung Quốc và Mỹ, giống rau ở thị trường Đài Loan khá tốt nên Việt Nam thường nhập khẩu. Không riêng gì Việt Nam, hầu như các nước đều phải nhập khẩu giống cây trồng. Đây là việc khá bình thường. Tuy nhiên, việc nhập khẩu này cũng dẫn tới độc quyền. Lấy ví dụ từ tình trạng nhập khẩu giống lúa lai Trung Quốc, GS. Nguyễn Ngọc Kính phân tích, Việt Nam đã cử cán bộ sang Trung Quốc học làm giống lúa lai nhưng không thành công nên hoàn toàn phụ thuộc giống nhập khẩu. Thông thường giá lúa giống khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, lúa lai Trung Quốc lại có giá bán lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg.
“Thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT khá ủng hộ việc trồng ngô biến đổi gen và tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp nước ngoài bán giống ngô biến đổi gen. Điều này càng làm lo ngại tình trạng độc quyền về giống tăng lên. Chưa tính đến việc nếu phát triển rộng rãi ngô biến đổi gen sẽ dẫn tới phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, lo ngại còn nảy sinh ở khía cạnh, thực tế, đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sự an toàn sinh học của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người”, GS. Nguyễn Ngọc Kính nói.
Quá nhiều nhà khoa học giỏi nhưng quá ít giống tốt
GS. Kính phân tích, năm nào cũng có những đề tài nghiên cứu về giống cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều bất cập trong tổ chức hệ thống và cơ chế nghiên cứu khoa học. Hiện có quá nhiều Viện nghiên cứu nên đề tài dàn trải. Không ít người từng làm cán bộ nghiên cứu chuyên môn chuyển lên làm lãnh đạo gây ra hụt hẫng về nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong cơ cấu tiền chi cho đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay, có tới 54% chi cho tổ chức quản lý bộ máy, chỉ còn 46% thực chi cho nghiên cứu khoa học.
“Điểm bất cập nổi cộm trong nghiên cứu giống dẫn tới việc Việt Nam có nhiều nhà khoa học giỏi nhưng chưa tạo được nhiều giống cây tốt, giảm nhập khẩu là bởi cơ chế quản lý đề tài suốt thời gian dài còn nhiều vướng mắc. Ví dụ, một đề tài nghiên cứu được chi khoảng 2-3 tỷ đồng, thì việc chi tiêu rất quy củ, nguyên tắc theo kiểu chi 50.000 đồng cũng phải lấy hóa đơn. Điều này vừa gây phiền hà, lại kém hiệu quả. Cơ chế khoán đề tài theo kiểu giao cho một đề tài nghiên số tiền nhất định, yêu cầu phải cho ra đời 1 vài loại giống khá hiệu quả thì mới đang nhen nhóm bắt đầu”, GS. Kính nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, một số chuyên gia nhận định, từ trước tới nay việc nghiên cứu giống được triển khai thường xuyên nhưng chưa có chiến lược, tầm nhìn và định hướng rõ ràng. Năm nào cũng đặt ra mục tiêu phải nghiên cứu tạo ra giống cây tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng kháng bệnh chung chung chứ chưa xác định phải tạo ra sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Do đó, để ngày càng tự chủ về giống cây trồng, điều quan trọng là phải xây dựng, hoạch định một chiến lược nghiên cứu về giống cây. Trong đó, đặt ra các mục tiêu rõ ràng như hiện nay đang phải nhập khẩu bao nhiêu, sắp tới xác định sẽ tự túc bao nhiêu % giống; tập trung nghiên cứu tự chủ loại giống cây trồng nào, bao giờ sẽ đạt được; những giống đang thiếu phải nhập khẩu nhiều, Việt Nam có khả năng nghiên cứu tạo giống không và làm được đến mức nào…?
Theo GS. Kính, việc hoạch định nghiên cứu giống cây là điều rất quan trọng, tuy nhiên đi kèm với các mục tiêu phải là các cơ chế, chế tài triển khai hợp lý… Trong đó, Nhà nước đặt hàng đề tài cho các nhà khoa học, cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa thu hút doanh nghiệp cùng triển khai nghiên cứu, ứng dụng thực tế sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu.
“Đặc biệt, Việt Nam đang hội nhập kinh tế mạnh mẽ, việc nghiên cứu giống cây trồng cũng không thể tách rời. Cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường để xem nhu cầu, yêu cầu sản phẩm nông sản tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ra sao, từ đó quay trở lại đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu cho trúng với yêu cầu đặt ra chứ không thể thích gì làm nấy”, GS. Kính nhấn mạnh.
Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)
Không có nhận xét nào: